11/12/2021 | lượt xem: 3 Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 35 nền tảng số quốc gia Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 ngày 11/12/2021, Bộ TT&TT đã công bố 35 nền tảng số quốc gia Bộ TT&TT giao cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ trì phát triển. Các nền tảng được chia thành 6 nhóm: Nhóm nền tảng hạ tầng số; Nhóm nền tảng công nghệ số cốt lõi; Nhóm nền tảng chính phủ số; Nhóm nền tảng y tế - giáo dục – văn hóa – xã hội; Nhóm nền tảng tài chính – ngân hàng-kinh doanh; Nhóm nền tảng nông nghiệp – giao thông – kho vận – công thương. Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, nền tảng số là hệ thống thông tin trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Bộ TT&TT công bố 35 nền tảng số quốc gia Bộ TT&TT giao cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ trì phát triển Phát triển các nền tảng số quốc gia và nền tảng số ngành là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực. Bộ TT&TT đã trình TTgCP phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó giải pháp đột phá là phát triển các nền tảng số quốc gia Việt nam. Ngày 30/11/2021, tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban đã giao Bộ TT&TT chủ trì, các bộ, ngành phối hợp, có chương trình hành động thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp công nghệ số chủ chốt của Việt Nam nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ lõi để phát triển nền tảng số quốc gia. Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ ba năm nay, các doanh nghiệp công nghệ số đã nhận trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Các nền tảng số quốc gia được nêu tên cụ thể, các doanh nghiệp công nghệ số nhận trách nhiệm cũng được nêu tên cụ thể. Bộ TT&TT đã công bố đợt một gồm 35 nền tảng số được chia thành 6 nhóm. Thứ nhất là, nền tảng hạ tầng số bao gồm: Nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp (EGC); Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC); Nền tảng địa chỉ số; Nền tảng bản đồ số. Nhóm thứ hai là nhóm nền tảng công nghệ số cốt lõi gồm: Nền tảng trí tuệ nhân tạo; Nền tảng thiết bị IoT; Nền tảng giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC); Nền tảng trợ lý ảo; Nền tảng trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC). Nhóm thứ ba là các nền tảng chính phủ số: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Nền tảng định danh người dân; Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân Nhóm thứ tư là các nền tảng chuyển đổi số cho lĩnh vực y tế - giáo dục - văn hóa – xã hội: Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới phục vụ Chính phủ; Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới phục vụ cộng đồng; Nền tảng dạy học trực tuyến; Nền tảng học trực tuyến mở (MOOC); Nền tảng Đại học số; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng quản lý trạm y tế; Nền tảng phát thanh số (trực tuyến); Nền tảng truyền hình số; Nền tảng bảo tàng số; Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; Nền tảng mạng xã hội thế hệ mới. Nhóm nền tảng thứ năm liên quan đến tài chính - ngân hàng - kinh doanh: Nền tảng hóa đơn điện tử; Nền tảng quản trị tổng thể; Nền tảng kế toán dịch vụ. Nhóm cuối cùng là nhóm nền tảng nông nghiệp - giao thông - kho vận - công thương: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; Nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; Nền tảng sàn thương mại điện tử; Nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng; Nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong số 35 nền tảng số quốc gia Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho các doanh nghiệp chủ trì phát triển, có những nền tảng số đã cung cấp dịch vụ, nhưng chưa chiếm được thị phần đáng kể; có những nền tảng số đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển, chuẩn bị triển khai. Nhưng thời hạn chung, một mốc thời gian chung để công bố, ra mắt, phổ biến sử dụng nền tảng số quốc gia là 30/6/2022. Trong tháng 12/2021, Bộ TT&TT sẽ ban hành Chương trình hành động thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia, có mục tiêu, chỉ số đánh giá đo lường theo từng tháng, có kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy cụ thể. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục định kỳ cập nhật, bổ sung, điều chỉnh danh sách nền tảng số quốc gia và tiếp tục công bố trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông