Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật Báo chí 2016

Sáng ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016. Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các cơ quan chủ quản báo chí, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các cơ quan báo chí.

 

                                              20191204-l1_1.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu kết luận Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về báo chí, quan điểm xuyên suốt của Bộ TT&TT luôn là tính dân chủ, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược và tạo ra động lực cho báo chí phát triển.
 
Do vậy, Thứ trưởng đề nghị Hội nghị cần tập trung đóng góp ý kiến để làm rõ những vấn đề, những quy định còn bất cập của Luật Báo chí hiện hành liên quan đến mối quan hệ giữa các nhóm chủ thể gồm: Nhóm thứ nhất, quan hệ giữa một bên là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí với một bên là các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí; Nhóm thứ hai là, giữa cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và công dân, tổ chức; Nhóm thứ ba là, những quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương; Nhóm thứ tư là, những quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương và địa phương và các bộ, ngành có liên quan ở trung ương và địa phương; Nhóm thứ năm lànhững quan hệ giữa cơ quan báo chí và công dân, tổ chức; Nhóm thứ sáu là, quan hệ giữa cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí và ngược lại.
 
Đặc biệt, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nêu rõ, Hội nghị cần tập trung bàn thảo kỹ lưỡng hai nhóm vấn đề chính sau đây: Thứ nhất là, tình hình thi hành Luật Báo chí 2016 trong xã hội và của các chủ thể của Luật như: cơ quan báo chí, nhà báo; cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Cần phân tích để làm rõ những mặt tích cực, mặt tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại ấy từ đâu, do một số nội dung của Luật Báo chí 2016 chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể; do một số một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí chưa được Luật điều chỉnh; hay do nhận thức thi hành và áp dụng Luật có những bất cập. Thứ hai là, đưa ra những kiến nghị, giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của báo chí, trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin, sự thay đổi thói quen đọc, nghe, xem của độc giả, khán giả, sự phát triển của công nghệ tác động đến báo chí trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Đảng và các quy định khác của pháp luật.
 
Bằng tinh thần trách nhiệm và sự cầu thị, Bộ TT&TT trân trọng lắng nghe, ghi nhận tất cả những ý kiến, tâm tư, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức sau 03 năm Luật Báo chí 2016 đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
 
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, Luật Báo chí 2016 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Sau khi có hiệu lực, Luật Báo chí 2016 đã kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; phần nào khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
 
Để quy định chi tiết Luật Báo chí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật gồm có 02 Nghị định của Chính phủ và 04 Thông tư. Cũng theo đánh giá của Ban Tổ chức, chưa thời điểm nào mà hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí đầy đủ, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng, thực hiện như hiện nay. Căn cứ các quy định của Luật Báo chí, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng ban hành các văn bản triển khai thực hiện như: về nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản; về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của đơn vị; về chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí…
 
                                               20191204-l4.jpg
 
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc báo cáo tóm tắt sơ kết 03 năm thi hành Luật Báo chí 2016
 
Đồng thời, các cơ quan báo chí đã bám sát các quy định tại Luật Báo chí 2016 để triển khai trong thực tiễn. Nhiều cơ quan báo chí thực hiện nghiêm theo tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép hoạt động báo chí đã được cấp; các nhà báo tác nghiệp đúng quy định; thực hiện các quy định về phản hồi thông tin, khai thác thông tin, trả lời phỏng vấn theo quy định; thực hiện đúng các thủ tục liên quan đến giấy phép hoạt động báo chí như thay đổi tên gọi cơ quan báo chí, tăng trang, tăng kỳ, thay đổi khuôn khổ; công tác xét thẻ nhà báo đúng trình tự, thủ tục; nộp lưu chiểu ấn phẩm báo chí đầy đủ, đúng quy định…
 
Cũng theo báo cáo đánh giá của Ban tổ chức, nhiều bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí đều cho rằng qua 03 năm thi hành, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Những nội dung của Luật Báo chí 2016 về cơ bản đã phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.
 
20191204-l3.jpg
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Tuy nhiên, trải qua 03 năm triển khai thi hành, một số quy định của Luật Báo chí 2016 đã dần bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong thực tiễn của lĩnh vực báo chí dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Báo chí 2016 là một yêu cầu cấp thiết đặt ra trong công tác chỉ đạo của Đảng và quản lý nhà nước về báo chí; xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí, những người công tác, làm việc trong lĩnh vực báo chí và của chính những đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động từ hoạt động báo chí…
 
Cũng tại Hội nghị, đã có 15 tham luận của các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương và đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí đã thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp… nhằm hoàn thiện pháp luật về báo chí trong thời gian tới, nhất là trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao các tham luận, đóng góp ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm của các đại biểu tại Hội nghị.
 
Theo Thứ trưởng, việc thực thi Luật Báo chí 2016 về cơ bản được triển khai tích cực, tuy nhiên có một số trường hợp khi thực thi luật nhưng không hiểu hoặc không nắm rõ luật nên trong khi ứng xử với báo chí không chuẩn. Thậm chí cứ nghe đến báo chí là né, là thoả hiệp. Bởi vậy, từng cơ quan, đối tượng liên quan của Luật Báo chí từ cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, ở địa phương cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng Luật Báo chí để kịp thời xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Hướng sửa Luật Báo chí tới đây sẽ  đưa ra Tòa án để phân xử. Các địa phương cần khuyến khích các tổ chức kiện ra toà nếu thông tin sai sự thật, bước đầu đã có doanh nghiệp kiện cơ quan báo chí…
 
Thực tiễn cho thấy, việc tuyển dụng phóng viên ở nhiều cơ quan báo chí còn lỏng lẻo, nhận thức về chính trị, trình độ chuyên môn còn hạn chế; nhiều cơ quan báo chí phải đóng góp tài chính nuôi cơ quan chủ quản; Trang tin điện tử là cánh tay nối dài của cơ quan báo chí, nhưng trên thực tế nhiều trang tin điện tử đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, theo quy định thì trang tin điện tử không được sản xuất, không được biên tập tin bài và khi dẫn lại nguồn tin phải có thoả thuận với cơ quan báo chí…
 
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: Khi tiến hành sửa đổi Luật Báo chí tới đây phải khắc phục được những bất cập, những hạn chế mà Luật Báo chí 2016 cũng như thực tiễn đang đặt ra, dự báo được xu hướng phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị có liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng nhằm hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong hoạt động báo chí./.
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
111 người đang online