16/01/2019 | lượt xem: 5 Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 Chiều ngày 15/1/2019, tại trụ sở 18 Nguyễn Du, Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực BCVT, CNTT. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao việc đổi mới và cách tổ chức Hội nghị với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trong Ngành TT&TT. Thủ tướng đã ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực đạt được của Bộ TT&TT trong năm 2018, đã đóng góp trực tiếp, to lớn vào sự phát triển toàn diện của đất nước. Bộ đã tập trung chỉ đạo lĩnh vực công nghệ, công nghiệp dịch vụ viễn thông, CNTT và truyền thông có đóng góp lớn cho đất nước về ngân sách, tạo nhiều công ăn việc làm, tạo ra một số doanh nghiệp lớn có thương hiệu và thứ hạng quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ TT&TT đã xác định lại đúng vị trí, vai trò, sứ mệnh của lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tuyên truyền, đặc biệt Bộ đã có những định hướng lớn để làm “kim chỉ nam” cho sự phát triển trong thời gian tới. Tuy vậy, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Vụ AVG làm chậm sự phát triển của Ngành, đây là bài học đắt giá Bộ cần rút kinh nghiệm để vươn lên; thứ hạng về các lĩnh vực quản lý của Bộ phụ trách còn thấp; ICT tăng trưởng chậm, chưa đi đầu về công nghệ; Vai trò của một số sở TT&TT còn mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều cho địa phương. Thủ tướng cũng nêu rõ hiện chưa có chủ trương sáp nhập sở TT&TT vào bất cứ Sở nào khi chưa có Nghị định và chỉ đạo của Chính phủ; Việc quản lý mạng xã hội còn nhiều bất cập, chưa tốt… Tại Hội nghị Thủ tướng đã định hướng và trả lời các kiến nghị của Bộ TT&TT trên từng lĩnh vực. Thủ tướng đã đồng ý để Bộ TT&TT sửa các luật về Viễn thông, Tần số, Báo chí để tạo điều kiện cho sự phát triển; Về cơ chế thu nhập tăng thêm đối với 3 cục gồm: Cục Viễn thông, Cục Tần số, Cục PTTH&TTĐT; trình Chính phủ Nghị định về việc chia sẻ cơ sở dữ liệu; thí điểm tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, trước hết ở một đơn vị viễn thông. Thủ tướng đồng ý để Bộ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về mô hình trung tâm hoặc tổ hợp báo chí Nhà nước. Đồng ý với phương hướng về một Việt Nam phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Thủ tướng cho rằng, đây là nhiệm vụ nặng nề. Đó cũng là đặt hàng, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành TT&TT. Trước hết, Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT bởi đây là nền tảng của các lĩnh vực khác, nền tảng của kinh tế số. Việc khởi nghiệp công nghệ, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề của Việt Nam, Bộ TT&TT phải dẫn dắt việc phát triển các doanh nghiệp ICT của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế số, kinh tế dữ liệu chính là một phần quan trọng, là tương lai của nền kinh tế. Bộ TTTT phải góp phần thay đổi tư duy, chính sách, tạo ra kỳ vọng đi tắt đón đầu đối với Việt Nam. Nhiệm vụ này rất quan trọng. Đối với lĩnh vực viễn thông, Thủ tướng đề nghị cần xử lý triệt để vấn đề sim rác.Thủ tướng nêu rõ, Chủ tịch, Tổng Giám đốc các công ty, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu trách nhiệm cá nhân về sim rác. Sim rác không xử lý được thì hậu quả rất khôn lường…Đồng thời hoan nghênh Bộ trưởng Bộ TT&TT cho thử nghiệm mạng 5G, trước hết là tại TPHCM. Về lĩnh vực CNTT, Thủ tướng đề nghị sớm trình Đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương, nhằm tạo sự bứt phá để phát triển kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, cần phải nâng cao thứ hạng Việt Nam về Chính phủ điện tử, đến năm 2020 phải tăng ít nhất 15 bậc so với năm 2018; Thủ tướng cũng hoan nghênh Văn phòng Chính phủ đã chủ động xây dựng chính phủ điện tử và yêu cầu Bộ TT&TT là chủ công của Chính phủ điện tử, nhất là vấn đề công nghệ. Văn phòng Chính phủ làm chính sách, đôn đốc kiểm tra, xử lý các vấn đề đặt ra, còn vấn đề công nghệ là Bộ TT&TT. Thủ tướng đồng ý Bộ TT&TT trình Chính phủ và Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng một phần Quỹ Viễn thông công ích cho công nghệ thông tin theo cơ chế của Quỹ. Bộ cũng cần đề xuất chính sách tạo điều kiện cho khởi nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực CNTT để phấn đấu đạt mục tiêu có 1 triệu kỹ sư, cả phần cứng và phần mềm… Về an toàn, an ninh mạng, Thủ tướng nhất trí mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng. Không để mạng của các cơ quan Đảng, Nhà nước bị tấn công, lấy cắp thông tin. Cần giám sát các đợt tấn công mạng, phát hiện các lỗ hổng an ninh mạng trên toàn quốc và chủ động cảnh báo cho các cơ quan. Đối với công nghiệp ICT, cần có nhiều doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ nhưng cũng phải chú trọng hình thành một số doanh nghiệp công nghệ lớn có thứ hạng toàn cầu, sản xuất được các thiết bị viễn thông, đặc biệt là thiết bị hạ tầng viễn thông. Các nhà mạng Việt Nam phải quan tâm dùng thiết bị của Việt Nam. Đối với thông tin tuyên truyền, Bộ TT&TT tạo điều kiện cho báo chí hoạt động theo đúng pháp luật để tạo đồng thuận, niềm tin xã hội, không làm giảm đi sức mạnh quốc gia, niềm tự hào dân tộc.... Triển khai nghiêm túc Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý báo chí tốt hơn nữa trong thời gian tới. Bộ TT&TT phải sử dụng đồng bộ các biện pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để xử lý các vi phạm của mạng xã hội. Việc báo chí thời gian qua có những biểu hiện như tống tiền doanh nghiệp, moi móc đời tư, vi phạm quyền con người, quyền công dân, đưa tin giật gân, câu khách, không có động cơ trong sáng… Thủ tướng cho rằng, cần đưa ra các quy tắc nghề nghiệp, chế tài xử lý minh bạch, công khai hơn để chấn chỉnh tình trạng này. Việc phát triển báo chí, quản lý báo chí để phục vụ sự nghiệp đổi mới, đưa Việt Nam "sánh vai với cường quốc năm châu" là việc quan trọng của quản lý Nhà nước về báo chí. Vui mừng các sự phát triển của mạng xã hội Việt Nam, trong đó có mạng Zalo với 45 triệu người sử dụng, Thủ tướng đề nghị tiếp tục xây dựng mạng xã hội Việt Nam có số lượng người dùng không kém mạng xã hội nước ngoài. Bộ TT&TT cần làm lành mạnh hóa trên không gian mạng, người tham gia phải chính danh, xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai, tin vu khống, lợi dụng không gian mạng để chống phá chế độ. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bộ TT&TT là một Bộ về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, hay còn gọi là ICT. Sứ mạng của nó là đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.ICT là nền tảng của kinh tế số, xã hội số, CMCN 4.0. “Khởi nghiệp công nghệ, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, làm chủ thiết kế, tích hợp và công nghệ lõi. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp.Vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể là ngay chính trong công việc hàng ngày của mỗi chúng ta, và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết chính bài toán của mình.Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ sẽ giúp Việt Nam hóa Rồng, hóa Hổ. Doanh nghiệp công nghệ thì chủ yếu là trong lĩnh vực ICT.Bộ TT&TT phải đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. Người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh, một số việc lớn, có tính chất chiến lược lâu dài phải làm trong giai đoạn tới đó là soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật thuộc ngành thông tin và truyền thông, để loại đi sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau, bỏ đi cái cản trở sự phát triển. Hệ thống pháp luật đã được đắp dần qua nhiều năm, thiếu thiết kế tổng thể, do các vụ, các cục làm độc lập với nhau, nay có nhiều mâu thuẫn và đã trở thành trở ngại cho sự phát triển của ngành. Bộ TT&TT có thể thuê tư vấn làm việc này. Lĩnh vực viễn thông - CNTT có tính quốc tế rất cao, có nhiều tổ chức quốc tế đo lường và xếp hạng các nước. Trong 10 năm qua, xếp hạng của viễn thông-CNTT của Việt Nam đã tụt dần xuống xếp thứ trên 100, đứng dưới trung bình thế giới. Những năm tới, chậm nhất là đến 2022, chúng ta phải đưa thứ hạng của Việt Nam về thứ 30-50.Vì vậy, toàn ngành ICT phải bám vào các chỉ tiêu quốc tế để phấn đấu nâng cao thứ hạng của Việt Nam. Đối với lĩnh vực thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sứ mạng của báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần.Báo chí phải tạo ra sức mạnh tinh thần đó. Dù là đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam, làm cho Việt Nam mạnh lên, ổn định, chứ không phải làm xói mòn sức mạnh của đất nước. Với sự xuất hiện của mạng xã hội, hàng chục triệu người có thể đưa tin thì cách làm báo và cách quản lý báo chí phải có sự thay đổi căn bản. Sứ mạng của báo chí thì không thay đổi nhưng công nghệ làm báo và công nghệ quản lý báo chí thì thay đổi mang tính cách mạng.Ngoài ra, cách mà chúng ta sống và ứng xử trên không gian mạng cũng còn rất mới mẻ. Sử dụng công nghệ để nhìn thấy toàn cảnh bức tranh thông tin trên không gian mạng, có khả năng phân tích, đánh giá và dự đoán xu thế của hàng trăm triệu thông tin, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ người dân, doanh nghiệp, bảo vệ nhà nước trên đó. Đây là những thách thức quản lý mà Bộ TT&TT phải vượt qua. Cũng tại hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, việc một số Sở TT&TT bị mất tên, sáp nhập về sở khác là do chính chúng ta, do chúng ta chưa thể hiện được vai trò, chưa có đóng góp cho tỉnh. Muốn lấy lại vai trò của Sở, muốn Sở đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, muốn Sở chúng ta đúng là Sở Công nghệ Thông tin và Truyền thông, thì đầu tiên phải là nhận thức đúng về Sở. Nhận thức đúng về tầm quan trọng của công nghệ và tuyên truyền trong sự phát triển của đất nước. Tuyên truyền tạo nên sự ổn định, còn công nghệ tạo nên sự phát triển. Thay đổi ngành TT&TT, lấy lại tên cho mình là một hành trình vất vả, nhưng vinh quang, vì nó mang lại giá trị, lợi ích cho ngành, cho tỉnh và cho đất nước và nó cũng làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta ý nghĩa hơn. Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng nhấn mạnh phải đo lường được, cái gì không đo được thì không quản lý được. Đo được, tự động thống kê được, phát hiện sớm các bất cập để nhắc nhở, nếu xử lý thì thật nghiêm minh, có tính răn đe. Bởi vậy, năm 2019 chúng ta phải xây dựng, ban hành bộ chỉ số đánh giá, đo lường sự phát triển của từng lĩnh vực quản lý; xây dựng xong hệ thống CNTT để đo lường và phân tích, đánh giá, dự báo, phát hiện sớm các vấn đề, các sai phạm trên tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ và phải xây dựng bộ KPI cấp tỉnh về các lĩnh vực quản lý và công bố hàng năm. Định hướng của ngành trong thời gian tới sẽ tập trung cho 6 lĩnh vực lớn Về lĩnh vực bưu chính: Phải phát triển mạng lưới chuyển phát, logistics để phát triển thương mại điện tử. Duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 30-40%, để sau 5 năm nữa, doanh thu bưu chính Việt Nam sẽ tăng 3 đến 4 lần và đạt 3 đến 4 tỷ USD. Các công ty bưu chính lớn, có bộ máy đến cấp huyện, xã có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ công cho các địa phương, giúp các tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ công và giảm biên chế. Đây chính là cơ hội mang tính lịch sử, làm thay đổi căn bản lĩnh vực bưu chính đang đến, và chúng ta phải nắm bắt cơ hội này. Về lĩnh vực viễn thông: Hạ tầng viễn thông không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc, mà nay, là hạ tầng của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của CMCN 4.0, hạ tầng kết nối vạn vật. Phổ cập smartphone và dịch vụ di động băng rộng sẽ thay cho phổ cập điện thoại. Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạnh số thì đầu tiên phải là phổ cập smartphone.Phổ cập smartphone là nền tảng để đưa các ứng dụng đến mọi người dân. Cấp phép tần số 4G, thử nghiệm 5G là để tăng dung lượng, tăng sử dụng data trên mỗi người dân, tăng chất lượng mạng di động băng rộng. Việt Nam phải đi cùng nhịp với thế giới về các công nghệ mới, chúng ta sẽ không chậm chân 8 năm, 10 năm như là đối với 3G và 4G nữa.Thứ hạng viễn thông Việt Nam trên thế giới từ vị trí 108 phải về thứ hạng 30 đến 50. Bộ sẽ thí điểm mobile money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng. Phát triển viễn thông phải đảm bảo yếu tố bền vững, khi thị trường điện thoại đã bão hòa thì phải chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thay vì vẫn tiếp tục cạnh tranh đến mức thiếu lành mạnh trên thị trường cũ, dẫn đến vấn nạn SIM rác. Bộ TT&TT sẽ làm rất nghiêm việc quản lý cạnh tranh và SIM rác. Về lĩnh vực CNTT: Chuyển đổi số, chính phủ điện tử, thành phố thông minh sẽ là những câu chuyện lớn của năm 2019. Muốn thay đổi thứ hạng thì chúng ta phải đi nhanh hơn.Chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số sẽ là câu chuyện bao trùm trong nhiều thập kỷ tới. Cần xây dựng chiến lược, đề án trong năm 2019, làm rõ kinh tế số, CMCN 4.0 trong từng lĩnh vực thì phải làm gì. Trong ASEAN thì Việt Nam đang đi chậm nhất về kinh tế số, Thái Lan đã đổi tên Bộ viễn thông-CNTT thành bộ Kinh tế số, xã hội số được 3 năm. Để đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT trong Chính phủ, từ Trung ương tới các địa phương, thì trong phân bổ ngân sách phải có hạng mục chi cho CNTT, hạt nhân triển khai CNTT tại các địa phương phải giao cho Sở TT&TT, sửa đổi các qui định về dự án CNTT, thuê dịch vụ CNTT, theo hướng đặc thù, chuyển một phần quĩ VTCI sang chi cho CNTT. Các doanh nghiệp CNTT lớn đầu tư vào các dự án CNTT nền tảng và Chính phủ thuê lại dịch vụ, khi có ngân sách đầu tư thì có thể mua lại. Đối với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng:Sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào Internet, nhưng Internet lại không an toàn. Chúng ta làm cho Internet an toàn hơn tức là làm cho đất nước thịnh vượng hơn. Việt Nam chúng ta có cơ hội thành cường quốc về an ninh mạng. Không gian mạng là tương lai của loài người. Cường quốc an ninh mạng thì cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực. Việt Nam phải là cường quốc thì mới có hòa bình lâu dài, không ai đánh được mình. Cùng một vạch xuất phát với tất cả các nước, lại có nguồn nhân lực an ninh mạng vào loại tốt nhất trên thế giới, với khát vọng dân tộc hùng cường, với một giấc mơ lớn, tài nguyên vô tận trong não mỗi người Việt Nam sẽ được khai thác, và chúng ta có thể đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, bảo vệ Việt Nam, bảo vệ hòa bình thế giới. Năm 2019, phải bắt đầu từ việc tạo ra thị trường an toàn, an ninh mạng, các dự án đầu tư CNTT phải có hạng mục an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam; giám sát chặt chẽ an toàn không gian mạng; đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của Chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, mỗi cơ quan này phải có ít nhất một tổ chức hoặc một doanh nghiệp đảm bảo an ninh mạng; năm 2019 không còn xảy ra việc các mạng của cơ quan nhà nước bị đột nhập lấy cắp thông tin. Việt Nam phải trở thành trung tâm về an ninh mạng của ASEAN. Về lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ trưởng nhấn mạnh, công nghiệp ICT bao gồm công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp nội dung số, công nghiệp về dịch vụ CNTT, công nghiệp an ninh mạng, và đặc biệt mới là công nghiệp 4.0. Việt Nam đang có cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới. Thế giới về cơ bản chỉ còn 4 công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gồm : Ericsson, Nokia, Huawei và ZTE của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ. Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, với quyết tâm mức Chính phủ, chúng ta sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu được tất cả thiết bị viễn thông. Điều này chúng ta phải làm được trong năm 2019-2020.Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị made in Vietnam nếu giá và chất lượng tương đương.Đây là việc có ý nghĩa rất lớn vì hạ tầng của kinh tế số là mạng lưới viễn thông. Đối với công nghiệp nội dung số, Bộ TT&TT đặt mục tiêu phải chiếm 20-30% doanh thu của các nhà mạng, nhưng hiện nay mới chiếm 6-8%, là tỷ lệ quá thấp so với các nước. Cơ hội tăng trưởng của nội dung số còn 3-4 lần, doanh thu có thể đạt 3-4 tỷ USD. Vấn đề mấu chốt để tăng trưởng ngành công nghiệp nội dung số là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam phải cùng một chính sách quản lý, không bảo hộ ngược, tỷ lệ ăn chia với nhà mạng phải khích lệ công ty nội dung, hệ thống phân phối, thẻ nạp tiền của nhà mạng phải hỗ trợ thanh toán cho công ty nội dung. Bộ trưởng cũng cho biết, các công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Vì vậy, phải có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để thay đổi các lĩnh vực này bằng công nghệ, để đưa công nghệ công nghiệp 4.0 trở thành phổ cập.Bộ TT&TT sẽ thành lập bộ phận thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ, mà đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp CNTT đi tiên phong trong lĩnh vực này. CMCN 4.0 cũng đòi hỏi sự thay đổi chính sách để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới do các công nghệ mới sinh ra. Bộ đã được Thủ tướng giao hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới để thành lập Trung tâm CMCN 4.0 tại Việt Nam, lễ ký kết sẽ diễn ra tại Davos tháng 1/2019, Trung tâm sẽ đi vào hoạt động năm 2019, đây là trung tâm hình thành các chính sách cho CMCN 4.0. Bộ cũng sẽ xin phép Chính phủ cách tiếp cận Sandbox trong lĩnh vực ICT, cho phép thử nghiệm những cái mới trong một không gian và thời gian nhất định trước khi đưa ra chính sách quản lý. Về lĩnh vực thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng nhắc lại thông điệp gửi đến báo chí là, báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. “Người Việt Nam đọc tin nhiều hơn đọc sách.Và vì vậy, báo chí tác động, ảnh hưởng đến nhận thức của người Việt Nam rất nhiều.Và cũng vì vậy, vai trò quan trọng của báo chí được tăng lên rất nhiều so với các nước khác.Vậy nên, ý thức trách nhiệm của người làm báo Việt Nam lại càng phải cao, mà đầu tiên là các tổng biên tập.Phóng viên phải thấy trách nhiệm này để không dễ dãi với các bài viết của mình.Và cũng phải thấy tự hào, cao quí khi thấy mình có một sứ mạng cao cả là tác động đến nhận thức của hàng trăm triệu người.Hãy giữ lấy danh dự người làm báo, giữ lấy niềm tin của xã hội vào báo chí” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý. Bộ trường còn cho rằng, muốn quản lý được báo chí thì đầu tiên phải nhìn thấy toàn bộ bức tranh hàng trăm triệu thông tin mỗi ngày trên không gian mạng, phải giám sát được, đo lường được, phân tích và dự báo được các xu thế, phát hiện sai phạm để nhắc nhở. Các đơn vị, cá nhân sai phạm có hệ thống thì phải xử lý rất nghiêm minh. Xây dựng Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số Quốc gia, Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng và đánh giá được xu thế thông tin theo từng báo, từng diễn đàn, từng phóng viên, từng Facebooker. Nhiều báo hiện nay không nhận được hỗ trợ tài chính của nhà nước, tự bươn trải trên thị trường, trong khi thị trường quảng cáo bị chia sẻ gần 40% với mạng xã hội, và con số này có xu thế ngày càng tăng lên. Bộ chúng ta cần sớm hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, đề xuất cơ chế thuế, cơ chế tự chủ tài chính thuận lợi cho báo chí phát triển. Với một nguồn thu nhất định nhưng ổn định sẽ giúp cho báo chí phụng sự Tổ quốc tốt hơn. Cần tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thông tin truyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội.Báo chí không được bỏ trống trận địa này, phải sử dụng công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội. Thay vì đưa nội dung báo mình lên mạng xã hội của người khác thì mỗi báo phải là một mạng xã hội thu nhỏ của mình. Cần phải xây dựng và ban hành Bộ qui tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy xây dựng các mạng xã hội Việt Nam, bên cạnh các mạng lớn như Zalo, Mocha, với trên 60 triệu thuê bao thì phát triển các mạng xã hội nhỏ hơn theo phân đoạn khách hàng. Mục tiêu đến năm 2020-2021, mạng xã hội nước ngoài và mạng xã hội Việt Nam tương đương nhau về người dùng. Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2019 sẽ phải thực hiện qui hoạch báo chí, sơ kết thực hiện Luật báo chí và lập kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật báo chí. Bộ TT&TT đang nghiên cứu, đánh giá mô hình tổ hợp truyền thông đa phương tiện của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số địa phương để xem xét mô hình tập đoàn truyền thông nhà nước.Bộ TT&TT sẽ phải giải quyết tình trạng báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin điện tử tổng hợp và giải quyết nạn phóng viên làm tiền doanh nghiệp. “Năm 2019, Bộ TT&TT chọn chủ đề "Nâng cao thứ hạng Việt Nam".Việt Nam muốn vươn ra biển lớn thì phải có thứ hạng cao. Với phương châm hành động: Người đứng đầu làm gương, nhân viên kỷ cương, làm việc có trọng tâm, suy nghĩ và hành động thì bứt phá. Bứt phá là bỏ cái cũ, cách cũ, theo cái mới, cách mới với mục tiêu nhanh hơn, hiệu quả hơn, thay đổi được thứ hạng. " Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá " - Bộ TT&TT sẽ làm việc với tinh thần này. Chủ trương 1, thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20 thì chúng ta mới có thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra.”Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. *Trong khuôn khổ của Hội nghị Tổng kết cũng đã diễn ra Triển lãm về công nghệ, công nghiệp với sự tham gia trình diễn, demo các sản phẩm về công nghệ cao (AI, IoT, an toàn an ninh mạng…) của các doanh nghiệp, để khẳng định năng lực của các doanh nghiệp trong ngành TT&TT đã sẵn sàng đáp ứng cho cuộc CMCN 4.0. Một số hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng tham quan triển lãm công nghệ số trong khuôn viên trụ sở Bộ. Trong năm 2018, ngành TT&TT tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, góp phần làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân với tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn Ngành cao hơn tăng trưởng GDP cả nước, đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng, ước tăng 112,6% so với 2017. Công nghiệp ICT tiếp tục đóng góp tỉ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu toàn ngành với tốc độ phát triển nhanh, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Tổng doanh thu đạt 98,9 tỷ USD so với con số 91,5 tỷ USD năm 2017. Công nghiệp phần mềm đạt tốc độ tăng trưởng 13,8%, doanh thu đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD. Việt Nam hiện đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông.quyết tâm trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được tất cả thiết bị viễn thông và xuất khẩu được các thiết bị này ra thế giới. Phát triển IoT là định hướng trọng tâm thời gian tới của Bộ TTTT để tạo bước đột phá đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam mang nhãn hiệu Make-in-Vienam vươn tầm thế giới. Trong lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông. Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2018 đạt 15 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 6%. Đặc biệt trong năm 2018, tại Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN, Việt Nam đã nêu ra 3 sáng kiến trong đó sáng kiến Roamming like Home về hòa mạng di động một giá cước toàn Asean đã gây tiếng vang, thu hút sự quan tâm lớn của khu vực, góp phần tích cực tạo nên một "ASEAN phẳng". Bộ TT&TT đã triển khai thành công kế hoạch chuyển đổi mã mạng; dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số; Tập trung xử lý triệt để tình trạng sim rác; Đẩy mạnh triển khai đề án số hóa truyền hình, Quy hoạch tần số để thử nghiệm công nghệ 5G; bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị vô tuyến, cắt giảm hơn 50% sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu… Trong lĩnh vực CNTT, trong năm 2018,Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc gia quốc gia. Đây là nhiệm vụ trọng đại, bởi nếu thực hiện thành công, Việt Nam sẽ tăng được năng suất lao động lên từ 30 đến 40%, góp 20 - 30% trong tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, Bộ đã có những bước đột phá, từ trong tư duy, trong chính sách, trong cả cách tiếp cận, đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất các chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực CNTT. Đã đẩy mạnh triển khai ký kết các chương trình hợp tác với các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các hoạt động, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Việt Nam được xếp vào nhóm 75 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hiệp quốc. Bộ TT&TT hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 làm căn cứ để triển khai chính phủ điện tử. Đối với lĩnh vực An toàn, An ninh mạng, trong hoàn cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng và tinh vi, năm 2018 Bộ TT&TT đã vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia để cảnh báo sớm và xử lý các cuộc tấn công mạng nhằm vào Việt Nam, Kịp thời điều phối ứng cứu nhiều sự cố tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị cho các cơ quan, tổ chức về các nguy cơ gây mất ATTT như: các điểm yếu, lỗ hổng nghiêm trọng; các cuộc tấn công mạng có chủ đích; lây nhiễm phần mềm độc hại trên diện rộng; lừa đảo trực tuyến; lộ, lọt thông tin cá nhân; nguy cơ mất ATTT trên các thiết bị IoT... Nhằm kết nối, phát huy sức mạnh tổng thể, Bộ đã đẩy mạnh hình thành và kiện toàn Mạng lưới đơn vị chuyên trách về ATTT quốc gia, quy tụ 170 đơn vị thành viên là các tổ chức chuyên trách về ATTT mạng. Trong lĩnh vực chứng thực chữ ký số, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Bên cạnh đó Bộ đã xây dựng hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định quy định về xác thực và định danh điện tử. Lĩnh vực thông tin tuyên truyền tiếp tục thực hiện tốt vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Báo chí đã thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, tạoniềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Năm 2018, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Bộ TTTT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án quy hoạch và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đồng thời triển khai một số giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam. Đối với hoạt động xuất bản, in và phát hành tiếp tục góp phần giữ vững định hướng chính trị, ổn định xã hội, nâng cao dân trí và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; hoạt động thông tin cơ sở,thông tin đối ngoại đã có những đóng góp quan trong trong việc giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông