Cần liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược trong thúc đẩy chuyển đổi số

Sáng 27/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban để đánh giá kết quả thực hiện quý I/2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II/2022 và thời gian tới.

Tham dự tại trụ sở Chính phủ có Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại đầu cầu Bộ TT&TT, có sự tham dự của Thứ trưởng Phan Tâm, đại diện một số Cục, Vụ liên quan và đại diện một số doanh nghiệp công nghệ số.  

chuyen-doi-so-la-mot-dong-luc-thuc-day-doi-moi-sang-tao-la-nen-tang-cho-mot-nen-kinh-te-hien-dai.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Tư tưởng phải thông mới chuyển biến nhận thức

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Nhân dân cũng rất quan tâm vấn đề này vì chuyển đổi số tác động toàn dân.

Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Chuyển đổi số gắn với sự phát triển, sự phục hồi nhanh và phát triển bền vững. 

20220427-pg1-BT.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đã đề ra, thu được nhiều kết quả tích cực, đáng mừng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận thẳng thắn vào các tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục để đưa chuyển đổi số thực chất, hiệu quả hơn. 

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong sự phát triển của đất nước, gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, phát triển chung của đất nước. Tư tưởng phải thông thì nhận thức mới chuyển biến, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả; lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó để phát triển nhanh và bền vững hơn. Phương châm là thực hiện nhanh nhất, nhiều nhất, hiệu quả nhất, kịp thời nhất có thể. Phát triển có lộ trình, mục tiêu, an toàn, bền vững.  

Về quan điểm, Thủ tướng yêu cầu liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược trong phát triển chuyển đổi số. Cần phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, gắn với phát triển hợp tác công tư. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuyển đổi số tạo ra động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững trong thời đại công nghệ số cần một không gian phát triển mới, tài nguyên mới, hạ tầng mới. 

20220427-pg1-TTD.jpg

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng báo cáo về tình hình triển khai chuyển đổi số quý I/2022

Chuyển đối số tạo ra không gian mới cho sự phát triển. Trung Quốc năm 2020 kinh tế số chiếm gần 40% GDP, còn ở Việt Nam năm 2021, kinh tế số mới chỉ chiếm khoảng 1%, nghĩa là không gian phát triển của Việt Nam là rất lớn. Mục tiêu là năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP.

Phát triển nhanh cần tài nguyên mới, đó là dữ liệu. Dữ liệu số giống như đất đai, là một loại đất đai mới. Càng nhiều dữ liệu thì càng nhiều đất đai. Canh tác trên đất đai này dùng công nghệ số sẽ tạo ra giá trị mới. Phát triển nhanh thì cần hạ tầng mới, Kinh tế số thì cần hạ tầng số. Đó là hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, là các nền tảng số quốc gia. Trọng tâm của Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022 là xây dựng 35 nền tảng số quốc gia, dự kiến đến tháng 6 hoàn thành 100% và đưa vào sử dụng, nghĩa là chúng ta về đích trước 6 tháng. Các địa phương thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tới mức thôn bản, lấy thanh niên làm hạt nhân để đi đến từng hộ gia đình giúp bà con cài đặt, sử dụng các nền tảng số. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, của sự bứt phá để thay đổi thứ hạng nhằm tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững. Chuyển đổi số là sự hội tụ của khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức, của đổi mới sáng tạo và của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số hội tụ trong mình cả bốn sức mạnh của thời đại, sử dụng nó sẽ tạo ra sự phát triển đột phá. Đây chính là cơ hội rất lớn để chúng ta bứt phá.

Muốn phát triển bền vững phải có một hệ thống giám sát online toàn diện. Giám sát online toàn diện sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn thì mới có thể phát hiện sớm, cảnh báo sớm, nhắc nhở sớm để không xảy ra tai nạn lớn. Chuyển đổi số là đưa mọi hoạt động lên môi trường số và vì vậy giám sát online được. Nhà quản lý kết nối với các đối tượng quản lý và cập nhật các thông tin quản lý để giám sát.

Đồng thời, muốn phát triển bền vững thì phải nâng cao chất lượng phục vụ của công chức. Cách tốt nhất là phát triển các công cụ hỗ trợ. Đó là các nền tảng  làm việc số, các cơ sở dữ liệu trí thức, các trợ lý ảo. Với sự hỗ trợ của các công cụ, công nghệ, nền tảng làm việc số, chất lượng công việc của cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước cũng tăng lên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thay mặt cơ quan thường trực Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số, báo cáo về tình hình triển khai chuyển đổi số quý I/2022. Thứ trưởng đã trình bày khái quát về những kết quả nổi bật về chuyển đổi số trong các lĩnh vực gồm: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn an ninh mạng, Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nêu rõ 12 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong quý II/2022 cũng như một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến kiện toàn bộ máy tổ chức, bảo đảm nguồn nhân lực, kinh phí cho chuyển đổi số. 

Các đại biểu tham dự phiên họp đều nhất trí, đồng tình, đánh giá cao báo cáo về tình hình triển khai chuyển đổi số quý I/2022 của Bộ TT&TT -  cơ quan thường trực Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số; đồng thời, cũng đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, trên tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt, có hiệu quả, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó". /.


LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
388 người đang online