Chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia

Sáng 25-11, tại Hà Nội, Hội Điện lực Việt Nam (VEEA) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khai mạc Hội nghị khoa học và công nghệ Điện lực toàn quốc năm 2022 với chủ đề: “Chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia”.

 

20221202-ta3.jpg

Phát biểu khai mạc, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN nhấn mạnh, hội nghị là một nội dung quan trọng trong chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ giữa EVN và Hội Điện lực Việt Nam, nhằm mục tiêu định hướng và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động khoa học - công nghệ trong lĩnh vực điện lực.

Với đặc thù là một ngành công nghiệp hoạt động mang tính hệ thống, có trình độ công nghệ cao và hiện đại, ngành Điện nói chung và EVN nói riêng đã và đang nỗ lực lao động, học tập, tích lũy kinh nghiệm, nghiên cứu ứng dụng khoa học, tiếp cận và làm chủ kỹ thuật, công nghệ hiện đại để quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống điện Việt Nam. Đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện trong toàn hệ thống điện Việt Nam là 78.300 MW, trong đó EVN và các đơn vị trong EVN đang quản lý vận hành 29.800 MW, chiếm tỷ lệ 38% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 26,5% công suất trong toàn hệ thống. Số lượng khách hàng sử dụng điện trên cả nước cũng đã lên tới trên 30 triệu khách hàng. Tuy nhiên, thông qua hoạt động khoa học công nghệ, EVN đã chỉ huy vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả hệ thống điện Việt Nam, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.

Về công tác chuyển đổi số, EVN đã sớm tiếp cận và triển khai các kế hoạch, giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của các công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Cụ thể, đến nay, trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn đã hoàn thành cập nhật 97,3% dữ liệu thiết bị điện đang vận hành tại các nhà máy, đường dây truyền tải từ 110 kV đến 500 kV. Các dịch vụ điện trực tuyến đã được Tập đoàn chỉ đạo triển khai mạnh mẽ và đã đạt kết quả rất khả quan, trong đó 99,67% các yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận qua các kênh tổng đài và các kênh trực tuyến; 97,90% các giao dịch được thực hiện theo phương thức điện tử; tỷ lệ tiền điện được thanh toán theo các phương thức không sử dụng tiền mặt đạt 97,32%; tỷ lệ khách hàng thanh toán không sử dụng tiền mặt là 90,72%. EVN là một trong các đơn vị đi đầu và hoàn thành đầu tiên việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cho 2 dịch vụ điện/25 dịch vụ công thiết yếu của các bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao...

Cũng tại hội nghị, TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn, Hội Điện lực tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược, các chương trình, đề án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách, thể chế và các quy trình, quy phạm kỹ thuật của ngành Điện lực Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Hội Điện lực Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa vào công tác phản biện các đề án, văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu đề xuất những vấn đề thuộc các cơ chế, chính sách, nhất là các vấn đề về giá điện, thị trường điện, quy hoạch điện, tiết kiệm điện; số hóa các hoạt động điện lực trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường công tác phổ biến kiến thức... là những vấn đề rất cấp thiết, mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị như Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, Viện Năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... cũng trình bày nhiều tham luận nhằm nâng cao hơn nữa về chất lượng trên các lĩnh vực nguồn điện; truyền tải điện; phân phối điện; kinh doanh và sử dụng điện.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, trước đó, ngày 24-11, tại hội nghị Hội viên năm 2022, nhằm đẩy mạnh công tác phát triển hội viên có kinh nghiệm và trí tuệ để góp phần phát triển lĩnh vực Điện lực Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam và EVN đã ký thỏa thuận hợp tác, với thời hạn 5 năm, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng bên; triển khai có hiệu quả chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ hợp tác, cùng nhau hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững và phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của mỗi bên.

 

 


LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
156 người đang online