Đổi mới hoạt động các điểm bưu điện văn hóa xã

Điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) là điểm phục vụ thuộc mạng bưu chính công cộng do Nhà nước giao Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng, duy trì, quản lý.

Những năm qua, điểm BĐVHX đã trở thành mạng lưới quan trọng trong việc cung ứng các dịch vụ bưu chính, viễn thông và những sản phẩm dịch vụ thiết yếu phục vụ cho cộng đồng dân cư thuộc khu vực nông thôn, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay. BĐVHX đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình thông tin liên lạc như điện thoại, internet khiến nhiều điểm BĐVHX vắng người qua lại, không phát huy được tác dụng, gây lãng phí cơ sở vật chất. Trước thực trạng đó, Bưu điện tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm “hồi sinh” lại các điểm BĐVHX, tìm hướng đi mới cho hệ thống BĐVHX nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống.

        Với quyết tâm đổi mới hoạt động của điểm BĐ-VHX, những năm gần đây, Bưu điện tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động của các điểm BĐ-VHX như: đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, cải thiện về chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ tại các điểm giao, chỉ đạo và điều hành kinh doanh, gắn thu nhập của cán bộ, nhân viên với kết quả kinh doanh của các điểm BĐ-VHX. Ngoài ra, trước tình trạng cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp, Bưu điện tỉnh đã thực hiện đầu tư nâng cấp, sửa chữa các điểm BĐ-VHX cũ để đảm bảo đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ hành chính công và triển khai kinh doanh các dịch vụ khác. Cụ thể, trong thời gian vừa qua, Bưu điện tỉnh đã sửa chữa, xây mới 24 điểm BĐ-VHX đảm bảo đúng yêu cầu về nhận diện thương hiệu theo hướng dẫn số 5728/BĐVN-PPTT-KHĐT ngày 07/12/2020 của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về tiêu chí đề xuất phương án cải tạo BĐ-VHX mô hình 4 phù hợp với tiềm năng thương mại, góp phần thay đổi diện mạo, chất lượng và hiệu quả hoạt động tại các điểm phục vụ. Bên cạnh nguồn vốn của Tổng Công ty, Bưu điện tỉnh cũng đã chủ động tận dụng nguồn chi phí của đơn vị để khắc phục các hạng mục xuống cấp, đảm bảo điểm BĐ-VHX luôn khang trang, sạch đẹp.

Bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hiện nay, Bưu điện tỉnh đang tập trung chuyển hướng thành mô hình đa dịch vụ để điểm BĐ-VHX không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ bưu chính chuyển phát, đọc sách báo như trước mà còn triển khai thêm nhiều dịch vụ khác như: Chi trả trợ cấp, lương hưu; tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ bảo hiểm xã hội; bán lẻ hàng tiêu dùng...Việc triển khai mô hình điểm BĐ-VHX kinh doanh đa dịch vụ đã được thực hiện tại 102/116 điểm BĐ-VHX, thực hiện chuyển đổi thành công 56 điểm BĐ-VHX thành cấp quản lý thứ 4 trên địa bàn tỉnh.

        Cùng với đó, để nâng cao trình độ của nhân viên làm việc tại điểm BĐ-VHX hàng năm, Bưu điện tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ người lao động trên mạng lưới và cử cán bộ chuyên môn phụ trách các dịch vụ tham gia các khóa đào tạo tập trung của Tổng công ty, các lớp tập huấn trực tuyến do Tổng công ty tổ chức. Đồng thời, Bưu điện tỉnh cũng chủ động tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng kinh doanh đội ngũ nhân viên phát xã và BĐ-VHX, đáp ứng tốt với yêu cầu công việc và nhiệm vụ của văn hóa xã trong giai đoạn mới. Bên cạnh công tác đào tạo, tập huấn, Bưu điện tỉnh cũng tăng cường rà soát, sàng lọc thay thế những nhân viên văn hóa xã không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Để nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm BĐ-VHX công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các điểm BĐ-VHX cũng được Bưu điện tỉnh luôn coi trọng. Bưu điện tỉnh chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, bộ phận giám sát chất lượng thường xuyên thực hiện các đợt kiểm tra tổng hợp các dịch vụ tại các điểm BĐVHX, bình quân 1 tháng kiểm tra mỗi đơn vị từ 1 đến 2 lượt nhằm kịp thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ, điều chỉnh trong cung cấp dịch vụ, từ đó, không ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của Bưu điện Việt Nam cũng như thất thoát tài sản của đơn vị và khách hàng. Ngoài ra, Bưu điện tỉnh khen thưởng kịp thời đội ngũ nhân viên điểm BĐ-VHX để khuyến khích, tạo động lực và nâng cao trách nhiệm cho các cá nhân.

Nhờ áp dụng các biện pháp cải tiến, sản lượng và doanh thu các sản phẩm dịch vụ của đơn vị đều tăng lên. Tổng doanh thu trung bình mỗi năm đạt trên 32 tỷ đồng, doanh thu bình quân tại điểm BĐ-VHX đạt 28 triệu đồng/điểm/tháng. Thu nhập nhân viên BĐVHX tăng hơn trước. Đời sống của nhân viên BĐ-VHX được cải thiện, nhân viên BĐVHX gắn bó với công việc hơn.

Trong thời gian tới để hoạt động của các điểm BĐ-VHX ngày càng hiệu quả, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cải tiến, đổi mới toàn diện các điểm BĐ-VHX từ việc nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng dịch vụ cho đến nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên; chú trọng đào tạo, tập huấn chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên điểm BĐ-VHX; Tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương của Tổng Công ty về phát triển mô hình trưởng BĐ-VHX, hỗ trợ chi phí để các điểm BĐ-VHX kinh doanh tốt được hưởng chế độ như trưởng BĐ-VHX nhằm khuyến khích nhân viên các điểm BĐ-VHX phát triển kinh doanh. Đồng thời tiếp tục huy động sự quan tâm phối hợp vào cuộc của các ngành, các cấp để các BĐ-VHX góp phần nâng cao các giá trị văn hóa, lợi ích xã hội và có những đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.


LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
469 người đang online