Đổi mới, sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản

Đã đến lúc xuất bản phải đổi mới mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, mở ra một trang mới của ngành xuất bản. Đó là xuất bản số. Đó là sự kết hợp xuất bản truyền thống và xuất bản số.

Sáng ngày 22/3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam, các cơ quan chủ quản, nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh phát hành sách và Sở TT&TT các tỉnh, thành phố.

bộ-trưởng_1.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sứ mệnh của xuất bản vẫn là sáng tạo tri thức, là lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Nhưng phương cách cần có những đổi mới, đổi mới mạnh mẽ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành 

Theo báo cáo Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, cả nước hiện có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản, trong đó, có 48 nhà xuất bản thuộc Trung ương, 9 nhà xuất bản thuộc địa phương. 

- Năm 2023, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 4,1 nghìn tỷ đồng (tăng 4,98%); nộp ngân sách hơn 383 tỷ đồng (tăng 8,5%).

- Năng lực sản xuất tính theo tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 5,36 bản xuất bản phẩm (giảm 11%).

- Có 24/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản, phát hành điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản.

- Số lượng các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên.

Các đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, vì thế thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển và bước đầu bắt nhịp với sự phát triển của thị trường sách điện tử của các nước trong khu vực và trên thế giới, cung cấp được nhiều xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc.

Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Đến 31/12/2023, đã có 24 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử (tăng 26,3%), góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3% và vượt chỉ tiêu đề ra 12%.

Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, năm 2023, trên cơ sở kết quả đọc, kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu trên 1.100 xuất bản phẩm và thông tin phản ánh, kiến nghị, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 25 xuất bản phẩm vi phạm (giảm 3,8%). Trong số đó, có 21 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung (giảm 16%), 4 xuất bản phẩm vi phạm khác (tăng 4 lần).

Trong năm 2024, lĩnh vực xuất bản và phát hành sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế lĩnh vực xuất bản, phát hành. Trong đó, tập trung rà soát, nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và tham mưu xây dựng hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 18/2014/NĐ-CP ngày 13/4/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Thông tư sửa đổi Thông tư số 05/2016/TT-BTTTT ngày 1/3/2016 quy định về quản lý và sử dụng mã số sách tiêu chuẩn quốc tế; tham mưu cho ý kiến về thuế VAT trong lĩnh vực xuất bản.

Đổi mới, sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, đổi mới, sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản. Cần đổi mới sáng tạo về cách làm sách, phân phối sách, mô hình kinh doanh, hợp tác mới. Mỗi nhà xuất bản phải có một bản sắc riêng. Cần tiếp tục xây dựng nền tảng số cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động, thông minh cho người làm sách từ khâu sáng tác, biên tập, giới thiệu truyền thông, phân phối đa nền tảng, thu thập phản hồi của độc giả, phân tích dữ liệu. Nền tảng số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách. Vì thế, xuất bản cần mở rộng hợp tác, nhất là với các công ty công nghệ…

Bộ trưởng chia sẻ, gốc của sách là phương tiện truyền tải. Nếu có các phương tiện truyền tải mới trên môi trường số thì nên dùng. Gốc của viết sách là sáng tạo ra tri thức. Bây giờ có thêm các cách mới để sáng tạo ra tri thức, có công cụ mới để nhiều người hơn có thể sáng tạo và lan toả tri thức. Nhà xuất bản có thể trở thành một nền tảng cung cấp công cụ cho nhiều người viết sách, xuất bản, phân phối.

Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là có người đọc, có nhiều người đọc. Tức là có thị trường. Vậy hãy bắt tay vào khuyến đọc. Nhiều quốc gia có giờ đọc trong trường phổ thông. Những người có uy tín, chính trị gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng hãy đọc sách và tham gia giới thiệu sách. Vừa qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo một số cơ quan báo chí lập lại chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách” trên truyền hình, trên báo.

Bộ trưởng cho biết, số sách mà mỗi người Việt Nam đọc một năm là không cao so với các nước trong khu vực và thế giới, nhưng sách là tri thức, tri thức mà đến được mỗi người dân Việt Nam được nhiều hơn thì đất nước mới có thể phát triển nhanh và bền vững. Xuất bản có nhiệm vụ nâng số bản sách mỗi người Việt Nam đọc lên.

20240323-huy.jpg

Về một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ:

Hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế số, của ngành xuất bản. Trọng tâm là sửa đổi Luật Xuất bản. Trong thể chế thì có vấn đề bản quyền, trong thể chế thì có vấn đề mô hình hoạt động của các nhà xuất bản, mô hình hợp tác, mô hình liên kết và mô hình để hình thành các nhà xuất bản lớn. Trong năm 2024, Cục Xuất bản, In và Phát hành phải tổ chức nhiều hội thảo, mời các chuyên gia trong và ngoài nước, để bàn về các mô hình xuất bản mới.

Xây dựng hạ tầng số cho ngành xuất bản. Trọng tâm là nền tảng xuất bản số, nền tảng AI để phục vụ các nhà xuất bản. Và đây là các nền tảng dùng chung, ít nhất là ở mức cơ bản. Cục Xuất bản, In và Phát hành chịu trách nhiệm xây dựng các nền tảng này. 

Đào tạo nhân lực số cho ngành xuất bản. Nhân lực số sẽ là lực lượng sản xuất cơ bản của xuất bản. Đào tạo thì có đào tạo mức sử dụng và đào tạo chuyên sâu thông qua đào tạo lại cán bộ xuất bản. Đào tạo về kinh doanh, về quản trị cũng quan trọng không kém gì đào tạo về công nghệ số, nếu nói đúng thì là quan trọng hơn. Cục Xuất bản, In và Phát hành phải dẫn dắt việc đào tạo này.

Làm tốt công tác thống kê, số liệu. Không có số liệu thì không thể ra chính sách đúng được và không quản lý được. Kết nối online từ Cục tới các đơn vị trong lĩnh vực xuất bản để làm tốt công tác thống kê, báo cáo. Tổ chức điều tra xã hội để có cái nhìn sâu hơn về lĩnh vực.

Mỗi năm phải có được một vài cuốn sách có hàng triệu người đọc, tạo ra một nhận thức chung của toàn xã hội về một giá trị nào đó.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Cái cần giữ lại, cái bất biến là sứ mệnh, là mục tiêu chứ không phải phương tiện thực hiện. Sứ mệnh của xuất bản vẫn là sáng tạo tri thức, là lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Nhưng phương cách cần có những đổi mới, đổi mới mạnh mẽ. Sách là một khái niệm mở và phát triển. Nếu không thay đổi thì có thể sẽ bị thay thế. Đã đến lúc xuất bản phải đổi mới mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, mở ra một trang mới của ngành xuất bản. Đó là xuất bản số. Đó là sự kết hợp xuất bản truyền thống và xuất bản số. Hãy nghĩ ngược lại và làm khác đi. Những khó khăn và thách thức lớn, kéo dài thì thường chỉ được giải quyết khi nghĩ khác đi./.

 

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
23 người đang online