19/10/2020 | lượt xem: 7 Gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Ngày 17.10, thành phố Hưng Yên trọng thể tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân (phường Lam Sơn) và gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đến dự buổi lễ về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hải Ninh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương… Các đại biểu dự buổi lễ tại đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân (thành phố Hưng Yên) Về phía đại biểu tỉnh có các đồng chí: Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hải Hưng, Hưng Yên qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh... Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân (thành phố Hưng Yên) Tại buổi lễ, lãnh đạo thành phố Hưng Yên đọc diễn văn giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc của đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và quá trình trùng tu, tôn tạo ngôi đền. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và nhiều nguồn tư liệu lịch sử, Vua Đế Minh có hai người con, người con trưởng là Đế Nghi, con thứ là Lộc Tục. Lộc Tục vốn là người thông minh, kiêm nhường, được vua cha cử làm vua phương Nam (đất Văn Lang), hiệu là Kinh Dương Vương. Lộc Tục sinh Sùng Lãm tức đức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra trăm con trai là tổ tiên của người Bách Việt. Âu Cơ dẫn 50 người con lên đất Phong Châu, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Quốc tổ Lạc Long Quân dẫn 50 người con còn lại xuôi đường về phía Nam và dạy dân việc cày cấy nông trang, đặt ra các đẳng quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng, tỏa đi khắp vùng duyên hải khai khẩn đất hoang, lấn biển mở mang bờ cõi, cuộc sống nhân dân ngày càng trù phú, ấm no, hình thành những làng xóm đầu tiên của châu thổ sông Hồng sau này. Theo văn bia lưu tại Đình Cả, phường Lam Sơn, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân ở thôn Xích Đằng có từ giữa thế kỷ 18. Vào năm 1740, chúa Trịnh Doanh ra uy đánh giặc phương Nam, khi nghỉ chân ở bến đỗ trên sông, thì có mộng lành Quốc tổ báo trước cách đánh giặc nên bách chiến, bách thắng. Nhớ ơn công đức Quốc tổ, triều đình đã cho xây dựng đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tại khu Xích Đằng, phường Lam Sơn ngày nay. Trải qua thời gian, dưới tác động của thiên tai, chiến tranh tàn phá, ngôi đền cũ không còn. Để tỏ lòng biết ơn, tri ân công lao của các bậc tiền nhân đã khởi dựng cơ đồ, đặt nền móng vững chắc cho dân tộc Việt Nam, năm 2018, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân được khởi công phục dựng trên nền móng của ngôi đền cũ. Sau hai năm, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân được hoàn thành với khuôn viên rộng 2,5 nghìn m2 gồm các hạng mục công trình: Tam quan, Tả vu, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và hệ thống sân vườn. Các hạng mục, cấu kiện được làm bằng gỗ lim vững chắc, mang đậm dấu ấn vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hiện ngôi đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ tự có giá trị về lịch sử- văn hóa. Ngày 29.10.2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2455/QĐ-CTUBND công nhận đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây cũng là công trình văn hóa tiêu biểu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn gắn biển công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Hưng Yên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện, triển khai dự án mở rộng Văn miếu Xích Đằng, đền Mẫu, đền Trần, đền Bà Chúa Kho, đường gốm sứ; tăng cường các biện pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt nhất giá trị của Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Phố Hiến, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, gắn việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa với phát triển du lịch. Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân cho đại diện thành phố Hưng Yên. Tiếp đó, các đại biểu tiến hành gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên ngôi đền. * Cùng ngày, huyện Khoái Châu tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đền thờ Triệu Việt Vương và gắn biển công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đến dự buổi lễ về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hải Ninh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương… Các đại biểu dự buổi lễ tại đền thờ Triệu Việt Vương (Khoái Châu) Về phía đại biểu tỉnh có các đồng chí: Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hải Hưng, Hưng Yên qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh... Theo sử sách ghi lại, vào thế kỷ thứ 6, vùng đất Hưng Yên gắn liền với tên tuổi của danh nhân Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục), con của danh tướng Triệu Túc, quê ở vùng đất Khoái Châu ngày nay. Ông là người uy nghi, dung liệt, giỏi võ nghệ, từ sớm cùng cha theo Lý Bí (Lý Nam Đế) khởi nghĩa, lật đổ chính quyền đô hộ nhà Lương, giành độc lập, lập nên nước Vạn Xuân năm 544. Triệu Việt Vương được ban chức Tả tướng. Năm 545, nhà Lương đem quân xâm lược nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế giao quyền chỉ huy cho Triệu Quang Phục. Khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương và ông chọn vùng đầm Dạ Trạch làm căn cứ địa. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Triệu Việt Vương và căn cứ đầm Dạ Trạch với thắng lợi của cuộc kháng chiến du kích chống quân xâm lược nhà Lương là một trong những trang sử vẻ vang và hào hùng, giúp nhà nước Vạn Xuân non trẻ do Lý Nam Đế sáng lập vượt qua biến cố lịch sử, tiếp tục giữ vững nền độc lập trong 30 năm. Ghi nhận công lao, cống hiến của Triệu Việt Vương, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ. Tuy nhiên, do chiến tranh nên ngôi đền bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2018, huyện Khoái Châu cùng với nhân dân địa phương xây dựng ngôi đền mới trên nền ngôi đền cũ. Sau 2 năm, ngôi đền thờ Triệu Việt Vương được hoàn thành với diện tích trên 13 nghìn m2 gồm các hạng mục: Nghi môn, bình phong, đền chính, nhà tả vu, hữu vu và các công trình phụ trợ. Ngôi đền là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong vùng và là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau. Ngày 20.1.2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 177/QĐ-CTUBND về xếp hạng di tích đền thờ Triệu Việt Vương là di tích lịch sử cấp tỉnh. Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đền thờ Triệu Việt Vương (Khoái Châu). Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Khoái Châu phối hợp với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng xây dựng chương trình nhằm phục dựng lễ hội truyền thống liên quan đến danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch, xây dựng phòng truyền thống giới thiệu về cuộc kháng chiến chống giặc Lương do Triệu Việt Vương lãnh đạo; phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai có hiệu quả quy hoạch bảo tồn, tôn tạo khu di tích Đa Hòa- Dạ Trạch gắn kết với đền thờ danh nhân Triệu Việt Vương để trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách trong nước và quốc tế; Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương xây dựng chương trình giáo dục ngoại khóa cho học sinh, sinh viên thông qua việc tham quan, tìm hiểu các di tích, bảo tàng, nhà truyền thống, đặc biệt là khu đền thờ Triệu Việt Vương, qua đó bồi đắp niềm tự hào về lịch sử truyền thống của quê hương, dân tộc. Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đền thờ Triệu Việt Vương cho đại diện huyện Khoái Châu. Tiếp đó, các đại biểu đã tiến hành gắn biển công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đền thờ Triệu Việt Vương và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên ngôi đền.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông