Hành trình tiếp sức doanh nghiệp công nghệ số Việt đưa sản phẩm ghi danh quốc tế

Khép lại một năm thành công trong thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt vươn ra thị trường nước ngoài, Bộ TT&TT vừa nhận tiếp tin vui khi hỗ trợ, tiếp sức để các doanh nghiệp trong nước có 4 sản phẩm đạt giải thưởng ASEAN số 2024.

Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam được chuyên gia quốc tế đánh giá cao

Chương trình hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi chinh phục thị trường nước ngoài được Bộ TT&TT khởi động từ tháng 2/2023. Trong phát biểu tại hội nghị đầu tiên của chương trình này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ: "Đi ra nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy vinh quang, là sứ mệnh giúp Việt Nam hóa rồng, hoá hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”. 

Định hướng thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thị trường nước ngoài đã thu được kết quả ấn tượng trong năm 2023, khi có tới 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022; tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỉ USD, tăng 4% so với năm 2022.

20240208-m01.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thanh Tuyên chụp ảnh lưu niệm cùng 4 đội Việt Nam được giải ADA 2024.

Những ngày cuối năm Quý Mão 2023, lĩnh vực công nghiệp ICT Việt Nam tiếp tục đón tin vui, khi lần đầu tiên Việt Nam giành vị trí dẫn đầu về số huy chương vàng tại giải thưởng ASEAN số - ASEAN Digital Awards 2024 tổ chức tại Singapore trong 2 ngày 31/1 và 1/2. Trong 6 hạng mục của ADA 2024, Việt Nam nhận 2 giải Vàng và 2 giải Bạc ở 3 hạng mục Nội dung số, Bao trùm số và Đổi mới số. 

ASEAN Digital Awards - ADA là một trong những giải thưởng lớn nhất và uy tín nhất dành cho các phần mềm, giải pháp công nghệ số đến từ các quốc gia ASEAN. Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2012, các đề cử được chấm và đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe bởi Hội đồng giám khảo là các chuyên gia đại diện cho 10 quốc gia ASEAN và 3 quốc gia khách mời (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc).

20240208-m02.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và đại diện Ban tổ chức giải thưởng trao giải Vàng hạng mục Đổi mới số cho VinBrain.

Năm 2024, “DrAid™ CT Ung thư gan” của VinBrain giành giải Vàng hạng mục Đổi mới số; “ICANKid-Chơi mà học” của Galaxy Education JSC nhận giải Vàng hạng mục Nội dung số. Nền tảng nông nghiệp số MobiAgri của MobiFone và hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu của FPT IS đều đạt giải Bạc, lần lượt ở 2 hạng mục Bao trùm số và Nội dung số.

Lễ công bố và trao giải thưởng ASEAN Số 2024 diễn ra vào buổi tối ngày 1/2, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng số ASEAN lần thứ 4 chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái số tin cậy và bao trùm”. Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp ICT (Bộ TT&TT), giám khảo giải thưởng ADA 2024, kể từ lần đầu giải thưởng được tổ chức với tên gọi cũ là ASEAN ICT Award - AICTA vào năm 2012 cho đến nay, Việt Nam đã nhiều lần đạt giải cao, song năm nay là lần đầu đoàn Việt Nam có thành tích cao nhất.

20240208-m03.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, thành viên Ban giám khảo ADA 2024 chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ các đội Việt Nam tham gia giải thưởng. (Ảnh: Trọng Đạt)

Quá trình chấm vòng Chung khảo của giải thưởng ASEAN Số 2024 tại Singapore, các chuyên gia quốc tế đã đánh giá cao các sản phẩm, giải pháp công nghệ số của Việt Nam. Tại lễ trao giải, khi cùng Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Phan Tâm trao giải cho các sản phẩm của Việt Nam, bà Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore cho biết bà rất ấn tượng với sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng như thành công của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian gần đây.

Là đại diện Việt Nam tham gia Hội đồng Giám khảo chấm vòng Chung khảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên kể lại, sau khi nghe đại diện VinBrain thuyết trình về “DrAid™ CT Ung thư gan” – giải pháp sử dụng công nghệ AI, thị giác máy tính và các công nghệ căn chỉnh ảnh tiên tiến để phát hiện sớm các khối u gan bất thường từ hình ảnh cắt lớp, các giám khảo quốc tế bày tỏ sự quan tâm, có người xin số điện thoại liên hệ của đơn vị phát triển. 

“Chia sẻ bên lề, giám khảo Thái Lan và Campuchia đánh giá Việt Nam là nước tiên phong trong ứng dụng AI. Họ cũng muốn tìm hiểu mô hình của Vin, về kinh nghiệm ứng dụng AI của Việt Nam. Ngoài ra, các giám khảo Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia cũng rất ấn tượng về sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam. Họ coi Việt Nam là một “digital emerging” của ASEAN”, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết thêm.

Theo sát hỗ trợ các doanh nghiệp trong cả quá trình

Không chỉ dẫn đoàn doanh nghiệp có sản phẩm vào Chung khảo sang Singapore dự vòng thi cuối, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến với sân chơi ASEAN số 2024 của nhóm cán bộ Bộ TT&TT đã bắt đầu từ khoảng 6 tháng trước, khi giải thưởng được phát động, tiếp nhận hồ sơ.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đại diện FPT IS, đơn vị phát triển giải pháp VioEdu cho rằng, thành tích VioEdu vừa đạt được là nhờ có sự hỗ trợ đặc biệt quan trọng tới từ Bộ TT&TT. Trong quá trình chuẩn bị, Bộ TT&TT đã đồng hành sát sao cùng các doanh nghiệp nói chung và FPT nói riêng xuyên suốt thời gian tham gia giải thưởng ASEAN số 2024, từ xét chọn đề cử, hạng mục; hoàn thiện hồ sơ cho đến việc góp ý cho bài thuyết trình.

Cụ thể, các chuyên gia Bộ TT&TT đã tư vấn, hỗ trợ FPT IS lựa chọn hạng mục phù hợp nhất với giải pháp VioEdu; tư vấn làm hồ sơ bám sát tiêu chí của giải thưởng dựa trên kinh nghiệm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt qua nhiều năm. Giám khảo đến từ Cục Công nghiệp ICT của Bộ còn đưa ra nhận xét trực tiếp về kết cấu slide và clip giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm về cách thuyết trình, trả lời câu hỏi của Hội đồng giám khảo để đạt hiệu quả cao. Đơn cử, sau khi được góp ý, clip của FPT IS đã được điều chỉnh lại tốt và sau đó được các giám khảo đánh giá cao.

“Trong quá trình thi tại Singapore, Bộ TT&TT kết nối các đại diện từ các đơn vị tại Việt Nam cùng gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Bộ cũng luôn theo sát hỗ trợ về cả tinh thần, kinh nghiệm và thông tin đảm bảo điều kiện dự thi tốt nhất cho tất cả các đội thi”, đại diện FPT IS nhấn mạnh.

Là một trong những giải thưởng lớn và uy tín của khu vực ASEAN về lĩnh vực công nghệ số, cũng như nhiều giải thưởng quốc tế khác, AICTA trước đây và nay là ASEAN số rất chú trọng đến tính phổ quát, tính toàn cầu của sản phẩm. Điều này, theo đại diện Cục Công nghiệp ICT, đã được minh chứng qua kết quả chấm giải, khi các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đạt giải Vàng năm nay là “ICANKid – Học mà chơi” và “DrAid™ CT ung thư gan” đều được đánh giá là có khả năng phát triển, mở rộng ra thị trường khu vực và toàn cầu.

20240208-m04.jpg

Nhóm thuyết trình sản phẩm “ICANKid-Chơi mà học” được đánh giá đã chuẩn bị nội dung tốt, thuyết trình tự tin trước Hội đồng giám khảo quốc tế.

Khi điểm lại lịch trình, phân tích các điểm cộng, điểm trừ của từng doanh nghiệp Việt Nam trong việc chuẩn bị slide trình bày, clip giới thiệu, khống chế thời gian thuyết trình... tại vòng Chung khảo giải thưởng, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên cho rằng: Để đạt giải Vàng, ngoài yếu tố tiên quyết là sản phẩm phải xuất sắc, mang tính toàn cầu, các yếu tố quan trọng khác còn là bài thuyết trình được chuẩn bị công phu, cung cấp đầy đủ thông tin bám sát tiêu chí giải thưởng và  đặc biệt người thuyết trình cần khống chế tốt thời gian, giải đáp câu hỏi của giám khảo tự tin và thuyết phục.

Đại diện Cục Công nghiệp ICT thông tin thêm, nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp có các sản phẩm đạt giải ASEAN số năm nay sẽ được Bộ TT&TT triển khai thời gian tới như: Quảng bá sản phẩm công nghệ số trên phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tư vấn hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài; giới thiệu cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thử nghiệm, thí điểm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia...

Trong các lần tham gia giải thưởng AICTA từ năm 2012 đến trước ASEAN số 2024, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đã giành được nhiều giải thưởng cao, trong đó có 6 giải Vàng với các sản phẩm: FPT.eHospital của FPT (năm 2012); giải pháp Chính phủ điện tử Đà Nẵng do Sở TT&TT Đà Nẵng xây dựng và website Tienganh123 của BeOnline (2015); phần mềm Monkey Junior của Early Start (2016); mạng xã hội học tập trực tuyến của ViettelStudy (2019); “trợ lý bác sĩ” DrAid cho Covid-19 của VinBrain (2021).

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
288 người đang online