30/06/2022 | lượt xem: 9 Hội thảo đánh giá hoạt động thông tin điện tử và Tập huấn các quy định pháp luật cho các doanh nghiệp mạng xã hội, trang thông tin điện tử Ngày 30/6/2022, tại TP.Hồ Chí Minh, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo đánh giá hoạt động thông tin điện tử (TTĐT) 6 tháng đầu năm và định hướng 6 tháng cuối năm 2022, tập huấn các quy định pháp luật cho các doanh nghiệp mạng xã hội (MXH), trang TTĐT. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đã dự và chủ trì hội thảo. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Tại Hội thảo, sau khi báo cáo, phân tích tình hình tổng quan về quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTĐT, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lưu Đình Phúc đã nêu ra những định hướng trong công tác 6 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo trên cơ sở tầm nhìn được xác định là: Lĩnh vực thông tin điện tử (bao gồm: trang TTĐT, MXH, trò chơi điện tử) phải trở thành ngành công nghiệp nội dung, giải trí đa nền tảng, đa dịch vụ, cung cấp nội dung số theo hướng cá nhân hóa; MXH trong nước trở thành nền tảng truyền thông, giải trí chủ lực, tích hợp nhiều loại hình dịch vụ, có vai trò là nền tảng truyền thông cho nhà nước. Báo cáo đã đề ra những mục tiêu tổng quát bao gồm: Thúc đẩy phát triển MXH Việt Nam trở thành nền tảng số có số lượng người dùng Việt Nam chiếm đa số so với nền tảng MXH xuyên biên giới; trở thành một trong các kênh truyền thông mang tính giải trí cao, có nhiều loại hình dịch vụ, góp phần truyền tải thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội; Thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp trò chơi điện tử mang tính giải trí lành mạnh; sản xuất trò chơi điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, ưu tiên xuất khẩu; Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là kim chỉ nam cho mọi chính sách, hành động. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, đầu tư nhân lực, công nghệ để giám sát tốt, ngăn chặn tốt, hạn chế thông tin xấu độc trên không gian mạng, xử lý vi phạm có hiệu quả. Để phát triển ngành công nghiệp trò chơi điện tử, mạng xã hội, nội dung số trong nước, báo cáo đã đề ra những giải pháp cụ thể, bao gồm: Hình thành liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử; Xây dựng Đề án thúc đẩy phát triển sản xuất và phát hành trò chơi điện tử do Việt Nam sản xuất, trong đó đề xuất chính sách khuyến khích sản xuất, phát triển trò chơi điện tử giáo dục; Xây dựng chính sách phát triển MXH trong nước; chính sách phát triển và quản lý hoạt động livestream và các dịch vụ khác trên nền tảng MXH; Xây dựng quy định và tổ chức triển khai thực hiện huy động nguồn lực của trang TTĐT và MXH trong nước tham gia thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng giám sát cảnh báo sớm, xử lý nghiêm các vi phạm trên MXH, trang TTĐT tổng hợp, trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử; Kết nối các Bộ, Ban, Ngành, địa phương với Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam để hình thành mạng lưới xử lý tin giả quốc gia; Thành lập liên minh các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo trong nước; Xây dựng hệ thống kết nối các trang TTĐT tổng hợp, MXH với hệ thống giám sát của Bộ TT&TT. Để thực hiện các giải pháp trên, báo cáo đã nêu ra những thứ tự ưu tiên quốc gia, ưu tiên đột phá như: Đề xuất xây dựng “Luật truyền thông đa phương tiện”; Quy định chính sách phát triển mạng xã hội trong nước; Đề xuất chính sách phát triển trò chơi điện tử trong nước… Cũng tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do đã trình bày sâu về những quy định mới xử phạt những vi phạm trong hoạt động trang TTĐT, MXH và trò chơi điện tử trên mạng. Hội thảo cũng đã nghe nhiều ý kiến tham luận của các Sở TT&TT, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực như: Thúc đẩy sự phát triển trò chơi điện tử trên mạng (VNG), Kinh nghiệm vận hành Mạng xã hội (GAPO), Về quản lý nhà nước đối với các trang TTĐT (Thư viện pháp luật)… Lễ ký kết hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng Tại Hội thảo, Cục PTTH&TTĐT đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng với các Sở TT&TT Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai. Trong thời gian tới, Cục PTTH&TTĐT sẽ tiếp tục tổ chức ký kết Biên bản ghi nhớ với các Sở, Bộ Ban Ngành TW và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nêu rõ, trước tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội đang diễn ra phức tạp, Bộ TT&TT sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiên quyết xử lý những vi phạm để hoạt động trong lĩnh vực TTĐT, MXH, trò chơi điện tử đi đúng định hướng. Về trò chơi điện tử, Bộ sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách ủng hộ cho game trong nước phát triển. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp trong nước thực sự cùng nhau hợp tác và chia sẻ. Về mạng xã hội, Bộ chủ trương tiếp tục cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” nhằm phát triển mạnh các MXH trong nước; Kiên quyết loại bỏ những thông tin xấu độc trên MXH. Thứ trưởng cũng cho biết ủng hộ các nhà mạng viễn thông cho các MXH Make in Viet Nam thuê hạ tầng với giá ưu đãi. Đối với các trang TTĐT, Bộ TT&TT sẽ tập trung quản lý bằng các giải pháp công nghệ; Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đề nghị các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh để từng người sử dụng trong nước có đủ “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng; tuyên truyền để nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để người sử dụng khai thác được những mặt tích cực, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của trò chơi điện tử trên mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước. Đồng thời, tiếp tục đấu tranh, tăng cường áp dụng các biện pháp hiệu quả để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành đấu tranh, đàm phán để tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên nền tảng này. *Cũng trong ngày 30/6/2022, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng (VGDA) tại Việt Nam đã chính thức ra mắt tại TP.HCM./.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông