29/11/2021 | lượt xem: 3 Mọi nền tảng số quốc gia phải được phát triển, đánh giá và sử dụng an toàn Hiện nay, Chính phủ và các Bộ, ngành đang phát triển nhiều nền tảng số quốc gia nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, tiến tới quản lý nhà nước bằng dữ liệu. Bảo mật cho các nền tảng số này, bảo mật dữ liệu của người dân Việt Nam trên các nền tảng này là trọng trách, nhiệm vụ của các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021, tổ chức ngày 25/11/2021 tại Hà Nội. Hội thảo - Triển lãm Quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021 có chủ đề “An toàn thông tin trong chuyển đổi số - thách thức và giải pháp”. Đây là sự kiện thường niên (lần thứ 14) được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) bảo trợ, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự còn có ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch VNISA, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm - Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, Thiếu tướng Tống Viết Trung - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh... Ngoài ra, còn có lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương; đơn vị chuyên trách an toàn thông tin/CNTT của các Bộ, ngành, Sở TT&TT các địa phương; Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, hội, hiệp hội, trường đại học, các ngân hàng, tổ chức tài chính, các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng. Hội thảo được tổ chức trực tuyến, với điểm cầu chính tại Hà Nội. Mọi nền tảng số quốc gia phải được phát triển an toàn, được đánh giá an toàn và được sử dụng an toàn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại sự kiện Nhận định về việc bảo đảm an toàn an ninh mạng cho các nền tảng số quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, an toàn phải được xuất hiện trong mọi khâu, từ phát triển đến đánh giá, đến sử dụng đối với các nền tảng số quốc gia. Không được coi nhẹ ở bất cứ khâu nào. Tất cả các khâu này phải tuân theo các chuẩn về an toàn thông tin. Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT phải ban hành các chuẩn này và tổ chức đánh giá. Chúng ta cũng đã chủ động thêm một khâu nữa, đó là Bug Bounty, kêu gọi các chuyên gia tiếp tục phát hiện lỗ hổng bảo mật sau khi đã đưa phần mềm vào sử dụng. Hàng năm, Việt Nam sẽ vinh danh top 50 chuyên gia bảo mật có đóng góp cho việc phát hiện lỗ hổng bảo mật của các nền tảng số quốc gia. Người đứng đầu ngành TT&TT chỉ đạo, các nền tảng số dù đang trong giai đoạn phát triển nhưng đã tiến hành thu thập dữ liệu cá nhân cũng phải được ứng xử như một nền tảng đã đưa vào sử dụng. Về an toàn dữ liệu, phải đặc biệt đảm bảo an toàn cho các dữ liệu thay đổi, tức là các dữ liệu cá nhân được sinh ra từng ngày, từng giờ. Bộ trưởng dùng hình ảnh so sánh nếu như trong thế giới thực mỗi nhà đều có cái cửa, cái khoá thì trong thế giới số mỗi thiết bị truy cập, mỗi kho dữ liệu của mỗi người cũng phải có cái cửa, cái khoá. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, không nên vì lo ngại rủi ro về an toàn thông tin mà ngại dùng công nghệ số, nền tảng số. Muốn an toàn, muốn bảo mật cho các hệ thống thông tin, nền tảng số thì cần phải dùng nhiều hơn, chứ không phải không dùng hay dùng ít đi. Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là tăng cường sử dụng công nghệ số chứ không phải là không dùng. Vì chúng ta không thể không dùng. Thông qua dùng vấn đề mới bộc lộ ra và từ đó mà hoàn thiện. Các quốc gia phát triển có khả năng chống đỡ tốt hơn là vì họ đã sử dụng sớm hơn, vấn đề bộc lộ sớm hơn và hệ thống được hoàn thiện sớm hơn. “Đi đầu về sử dụng công nghệ số và luôn quan tâm đến an toàn thông tin mới là cách tiếp cận đúng. Sợ hãi mà không dùng thì tụt hậu, nỗi sợ thì vẫn còn đó và ngày một lớn hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Nhanh – nhỏ - gần – cơ động Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Covid-19 là một thảm họa toàn cầu nhưng nó cũng dạy cho chúng ta những bài học về an toàn thông tin. Bộ trưởng cho rằng, kinh nghiệm chống dịch covid-19 của chúng ta thời gian qua có thể áp dụng cho phòng chống tấn công mạng. “Kinh nghiệm chống dịch là Nhanh - Nhỏ - Gần - Cơ động, nghĩa là xét nghiệm nhanh, khoanh vùng nhỏ, điều trị gần và cơ động ứng cứu nhau. An toàn thông tin thì cũng cơ bản là vậy”. Công thức chống dịch liên tục phát triển, từ 5K rồi đến vắc xin, rồi đến công nghệ, rồi đến ý thức người dân... Công thức phòng chống tấn công mạng cũng phải liên tục phát triển. Bộ trưởng giao Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin là hai đơn vị chịu trách nhiệm tổng kết những kinh nghiệm, công thức này để phổ biến ra toàn dân. Cơ hội chuyển đổi số, cũng giống như bất kỳ cơ hội nào, chỉ mang tính thời điểm, nếu không nắm bắt nó sẽ qua đi. Trong 3 năm, 5 năm tới đây sẽ là giai đoạn quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số quốc gia. An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công. Sứ mệnh bảo đảo an toàn thông tin mạng cho Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được trao cho Bộ TT&TT, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ số, các chuyên gia an toàn thông tin Việt Nam. Chúng ta hãy cùng chung tay bảo đảm không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh, Bộ trưởng kêu gọi. Các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam sẵn sàng nhận các bài toán lớn Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA nhận định, chuyển đổi số đang đặt ra nhiều thách thức lớn với những bài toán khó cho cộng đồng các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam, đòi hỏi cộng đồng an toàn thông tin cùng chung tay nhận diện, đề ra các giải pháp xử lý hiệu quả trong quá trình thực hiện. Ông Nguyễn Thành Hưng cam kết, các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam sẵn sàng nhận các bài toán lớn về an toàn thông tin nếu được Nhà nước giao phó. Để chuyển đổi số thành công, vấn đề an toàn thông tin cần phải được đặc biệt quan tâm, được coi là một yếu tố quan trọng không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số. Về những điểm mới trong kế hoạch hành động của Hiệp hội trong năm 2022, Chủ tịch Nguyễn Thành Hưng cho biết, Hiệp hội sẽ triển khai một số tiêu chuẩn cơ sở dựa trên thực tiễn (theo mô hình Best Practice) gồm có: Đánh giá các doanh nghiệp có năng lực kiểm tra đánh giá an toàn thông tin để giới thiệu tham gia chương trình Hệ sinh thái tín nhiệm mạng của Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT; Đánh giá an toàn thông tin một số nền tảng ứng dụng phổ biến như Nền tảng Hoá đơn điện tử. Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ triển khai chương trình khảo sát về sự tin tưởng, tin cậy của người dùng đối với các nền tảng số quan trọng của các doanh nghiệp trong nước. Thay mặt các doanh nghiệp an toàn thông tin, Chủ tịch Nguyễn Thành Hưng cam kết quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ trong việc triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam, cam kết các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam sẵn sàng nhận các bài toán lớn về an toàn thông tin nếu được Nhà nước giao phó./.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông