03/11/2023 | lượt xem: 5 Nguồn lực cho truyền thông chính sách Ngày 1/11, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC), Tạp chí Cộng sản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm tham dự và phát biểu tại hội thảo. Toàn cảnh Hội thảo Công tác truyền thông chính sách phải lấy nhân dân làm trung tâm Là hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tám về chủ đề truyền thông chính sách từ năm 2016 đến nay, hội thảo năm 2023 là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc làm rõ, đánh giá thực trạng huy động, bố trí và sử dụng nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực hiệu quả cho công tác này. Hội thảo đã làm rõ những điểm mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về truyền thông chính sách; kinh nghiệm và cách làm hay trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách tại các bộ, ngành và các cơ quan báo chí. Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách đã tạo ra sự chuyển động rõ nét trong nhận thức và cách tiếp cận của các bộ, ngành và cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách. Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đây là hội thảo thứ 8 trong loạt hội thảo về truyền thông chính sách được tổ chức từ năm 2016 đến nay. Và năm 2023 được coi là năm chuyển động mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hoạt động truyền thông chính sách từ Chính phủ đến các bộ,ngành trung ương và các địa phương. Theo GS.TS Lê Văn Lợi, chúng ta luôn khẳng định, Nhà nước Việt Nam là của dân, do dân và vì dân, trong đó, nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng từ các chính sách. Chính vì thế, công tác hoạch định, ban hành và thực thi chính sách phải lấy dân làm gốc. Công tác truyền thông chính sách phải lấy Nhân dân làm trung tâm. Cần quan tâm hơn về hiệu quả của truyền thông chính sách Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chủ đề của Hội thảo hôm nay là “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”. Nếu nói về nguồn lực thì ở Việt Nam không thiếu, có rất nhiều việc trong đó có truyền thông chính sách. “Nhưng cần suy nghĩ, học hỏi và phải thông qua hội thảo như thế này để có câu trả lời là sử dụng nguồn lực đó như thế nào cho hiệu quả”, Thứ trưởng cho biết. Theo Thứ trưởng, về nguồn lực, chúng ta có nhưng có thể đang dùng một cách phân tán, vì trong thực tế hoạt động, chúng ta đầu tư rất nhiều nhưng hiểu quả thu lại là chưa đo, đếm, đánh giá được. Ví dụ như tổ chức rất nhiều hoạt động mang tính chất truyền thông ở địa phương, bộ ngành, cơ quan…, trong đó có nhiều hoạt động nhỏ như hội nghị, văn nghệ… “Tỉ trọng truyền thông chính sách từ trước tới nay là không lớn và chưa mang lại kết quả như mong muốn. Do đó, cần quan tâm hơn về vấn đề hiệu quả của truyền thông chính sách”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh. Thứ trưởng nêu vấn đề: “Hiện nay nguồn lực truyền thông chính sách được chi vào đâu và mang lại hiệu quả như thế nào là vấn đề rất quan trọng. Đánh giá hiệu quả là một yêu cầu trong toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác chỉ đạo điều hành cũng như hiểu quả phát triển kinh tế xã hội. Nhưng chưa có bộ công cụ và phương pháp để đánh giá được hiệu quả”. Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, nguồn lực truyền thông chính sách cần được dùng vào khâu đào tạo nhân lực, đào tạo con người. Vì vậy, việc đào tạo và tái đào tạo, kể cả khi những người làm công tác truyền thông chính sách đã đi làm rồi là vô cùng quan trọng./.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông