Phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022

Cổng Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

 

BT-phat-bieu-n.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022

Kính thưa các đồng chí

6 tháng đầu năm 2022 là sự bùng phát mạnh mẽ của COVID-19 và sau đó là sự lắng xuống, cuộc sống đã dần trở lại bình thường. Muốn cho lắng xuống thì chắc vẫn phải cho bùng phát, nhưng quan trọng là bùng phát có kiểm soát.

6 tháng mà ngành Thông tin và Truyền thông có tới 3 chiến lược quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây là các chiến lược lĩnh vực. Chiến lược mà cho riêng từng lĩnh vực thì sẽ rõ ràng hơn và dễ làm hơn. Đó là các chiến lược về bưu chính, về chính phủ số và về kinh tế số.

Chiến lược về bưu chính là sự tăng trưởng nhanh của bưu chính để 5 năm nữa bưu chính có thể to như viễn thông, là sử dụng công nghệ số mạnh mẽ trong hoạt động bưu chính, là khẳng định vai trò của hạ tầng bưu chính là hạ tầng logistics đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh hạ tầng viễn thông đảm bảo dòng chảy dữ liệu.

Chiến lược về chính phủ số là khẳng định kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử với 100% dịch vụ công đủ điều kiện thì đưa lên trực tuyến, là bắt đầu của giai đoạn chuyển đổi số chính phủ, là bắt đầu của giai đoạn các dịch vụ số, là giai đoạn thay đổi cách vận hành của chính phủ dựa trên dữ liệu, dựa trên các công nghệ số, là chuyển đổi số để giải quyết các bài toán thiên niên kỷ.

Chiến lược kinh tế số là khẳng định kinh tế số là động lực tăng trưởng mới, là sự chuyển đổi từ 80% kinh tế số dựa trên ICT thành 80% là dựa trên kinh tế số ngành, là sự nhấn mạnh vai trò của các nền tảng số Việt Nam, là sự thay đổi thể chế để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.

Từ năm 2022, ngành Thông tin và Truyền thông bắt đầu sửa khá nhiều luật liên quan đến lĩnh vực số. Đó là các luật về Giao dịch điện tử, Công nghiệp công nghệ số, Tần số, Viễn thông. Đây đều là các lĩnh vực nền tảng cho chuyển đổi số, cho sự phát triển số. Các đơn vị trong Ngành phải coi đây là việc của mình để nghiên cứu góp ý, tránh việc luật ra rồi, mang ra áp dụng thì mới phát hiện ra bất cập, khi ấy thì đã muộn, muốn sửa là mất nhiều năm.

Luật Giao dịch điện tử là nhằm hợp pháp hóa các giao dịch trên môi trường mạng, tạo ra một ánh xạ 1-1 từ các giao dịch trong môi trường thực vào môi trường số. Luật Giao dịch điện tử đã 17 năm, lĩnh vực đã có nhiều thay đổi lớn, nên việc sửa luật là cần thiết. Cách tiếp cận của luật là tạo ra các building blocks cho việc chuyển đổi này để các ngành, các lĩnh vực dễ dàng quy định các giao dịch trên môi trường mạng trong lĩnh vực của mình.

Luật Công nghiệp công nghệ số là một sự chuyển đổi mang tính cách mạng từ lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin sang công nghiệp công nghệ số. Công nghệ số còn được gọi là công nghệ thông tin mới, mà chủ yếu là sự bổ sung nhóm công nghệ số của cuộc CMCN lần thứ tư. Nhưng chính nhóm công nghệ số này lại tạo ra sự thay đổi căn bản cho lĩnh vực CNTT, bởi vậy mà gọi tên mới là lĩnh vực công nghệ số. Sự thay đổi thứ hai cũng rất quan trọng là chủ trương Make in Viet Nam trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tức là tự lực, tự cường Việt Nam.

Luật Viễn thông thì sự thay đổi căn bản là chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng liên lạc sang hạ tầng của nền kinh tế số. Các hạ tầng mới là hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, hạ tầng nền tảng số.

Luật Tần số thì sự thay đổi căn bản là làm rõ cách thức phân bổ tài nguyên tần số, nhất là cho dịch vụ thông tin di động. Luật Tần số 2009 đã 13 năm mà vẫn chưa đấu giá được. Luật mới sẽ giải quyết điểm nghẽn này.

Năm 2022, nhiều nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới (như mạng xã hội, phát thanh truyền hình OTT, quảng cáo) cũng sẽ được ban hành. Quản lý các nền tảng xuyên biên giới là một thách thức toàn cầu. Việc thiếu thể chế quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng, còn gọi là sự bảo hộ ngược, giữa các nền tảng số trong nước và nước ngoài. Các nghị định mới này là để thực hiện một nguyên lý rất căn bản là doanh nghiệp làm ăn ở đâu thì phải theo pháp luật ở đó. Nếu nói rộng ra thì là sự bảo vệ chủ quyền số quốc gia.

Đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bắt đầu ban hành các hướng dẫn thực thi. Một văn bản pháp lý là phủ rộng toàn quốc, từ cấp Trung ương đến cấp xã. Nếu thiếu các hướng dẫn cho từng đối tượng thì sẽ rất khó triển khai. Văn bản pháp lý là cho mọi đối tượng liên quan. Hướng dẫn là cho từng đối tượng. Các Cục, Vụ của Bộ khi làm văn bản pháp lý là phải làm luôn việc hướng dẫn cho từng đối tượng. Bởi vì chỉ khi làm các hướng dẫn này thì mới biết văn bản pháp lý mà mình sẽ ban hành có vận hành được trong cuộc sống hay không.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tuyên bố chuyển trọng tâm từ phía trước sang phía sau. Lãnh đạo, quản lý thì có lúc phải đi đầu dẫn dắt, có lúc lại phải lùi về sau để thúc đẩy. Bộ Thông tin và Truyền thông trong mấy năm qua đã khởi xướng nhiều cái mới, đã đi đầu, đã trực tiếp tham gia làm để khởi động những cái mới của Ngành. Nay, đa số những định hướng mới đã thành nhận thức của xã hội, của chính quyền các cấp, nhà nhà bắt đầu làm, ngành ngành bắt đầu làm, thì Bộ phải lui về sau để làm những việc đảm bảo cho sự phát triển được nhanh và bền vững. Đó là làm thể chế, các qui định, hướng dẫn. Đó là làm các công cụ số, nền tảng làm việc số, trợ lý ảo để hỗ trợ. Đó là làm các hệ thống đo lường, giám sát trực tuyến. Đó là làm Proof of Concept (làm để chứng minh nguyên lý) thay vì làm cả. Đó là đào tạo kỹ năng số cho công viên chức và người dân, là tổ chức các tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ đến từng hộ đình.

6 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung chỉ đạo thanh kiểm tra, xử lý mạnh tay các vi phạm để làm lành mạnh môi trường thông tin và truyền thông. Muốn phát triển nhanh và bền vững thì môi trường phải lành mạnh. Giữ cho môi trường lành mạnh thì phải làm thường xuyên. Vừa qua, cũng có lúc, do lý do này lý do kia, chúng ta có sự buông lỏng, làm cho tiêu cực, sai phạm tăng nhanh, gây bức xúc xã hội, làm giảm uy tín của Ngành, suy yếu uy tín và uy quyền quản lý nhà nước.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức được bổ sung chức năng nhiệm vụ mới về chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ số, kinh tế số, nên bộ máy phải tổ chức lại cho phù hợp. Nhiều cán bộ về hưu, phải chuẩn bị người thay thế phù hợp. Nhiều vị trí có yêu cầu mới, cao hơn cũng phải có người mới phù hợp. Nhiều cán bộ đi biệt phái về phải phân công cho phù hợp. Nhiều cán bộ tập sự cấp phó phải đánh giá, bố trí.

Để kết thúc, tôi muốn nói thêm một ý. Ngồi ở cơ quan quản lý nhà nước là dẫn dắt quốc gia, là quyết định sự phát triển của đất nước, thì phải đặt ra mục tiêu cao cho mình, cũng tức là mục tiêu cao cho đất nước, phải tìm cách tiếp cận mới cho việc khó dễ đi mà làm, không được dùng mãi câu cửa miệng là làm nhà nước thì khó lắm. Nếu nói vậy là đã đóng lại mọi cánh cửa rồi. Phải mở cánh cửa ra, mọi cái đều có thể làm được, mọi giấc mơ đều có thể hiện thực.

Xin chúc các đồng chí nhiều sức khỏe, niềm vui, năng lượng và nhiều thành công, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra cho năm 2022! Các đơn vị trong Ngành mà gặp khó khăn gì thì liên hệ ngay với các cơ quan của Bộ, với các đồng chí Thứ trưởng, và nếu vẫn khó khăn thì trực tiếp Bộ trưởng sẽ là người xử lý.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

 

 

 

 

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
53 người đang online