Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Ngày 25/02/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án nêu rõ hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 với các nội dung về: hạ tầng, nền tảng kỹ thuật công nghệ thông tin; triển khai chính quyền điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin phát triển kinh tế - xã hội; nhân lực công nghệ thông tin; đồng thời đánh giá rõ những ưu điểm, hạn chế.

Đề án nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 như sau:

Mục tiêu đến năm 2025:

- Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động:

+ 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 (trong đó trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

+ 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

+ 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

+ 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

+ 100% cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh và với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng Cổng thông tin dữ liệu mở của tỉnh để chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

+ 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

+ Có 02 đô thị là thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào đạt các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh.

- Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế:

+  Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn).

+ Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

+ Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%.

+ Phấn đấu có 500 doanh nghiệp số.

- Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số

+ Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ 100% xã, phường, thị trấn và trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G.

+ 90% người dân sử dụng điện thoại thông minh.

+ Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Định hướng đến năm 2030

- Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động:

+ 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

+ 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

+ Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

+ 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

+ Các đô thị trực thuộc tỉnh đạt các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh.

- Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế:

+ Kinh tế số chiếm 30% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn).

+ Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

+ Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7,5%.

+ Phấn đấu có trên 1.000 doanh nghiệp số.

- Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số

+ Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang.

+ Phổ cập dịch vụ mạng di động 3G.

+ Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Đề án đưa ra 05 nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số; phát triển Chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số; đào tạo nhân lực chuyển đổi số.

Nội dung chi tiết tại Quyết định số 571/QĐ-UBND.

 

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
1 người đang online