Sức hút từ cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Với hàng ngàn ý kiến của trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ, đảng viên, nhân dân ta ở trong nước và ở nước ngoài tỏ rõ sự đồng tình và hoan nghênh đối với cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, càng giúp chúng ta hiểu rõ vì sao cuốn sách có sức hút, sức lan tỏa nhanh và lớn như vậy.

 

                       

                                                                    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Nguồn ảnh: nhandan.vn)

Trước khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã nhận được sự hưởng ứng, hoan nghênh của đông đảo cán bộ, nhân dân, của bạn bè quốc tế quan tâm Việt Nam khi đọc các bài nói, bài viết của Tổng Bí thư đăng trên các báo, tạp chí. Trong tổng số 623 trang, có hơn 100 trang ở phần cuối trích đăng các ý kiến này của các nhà khoa học, các cán bộ hoạt động thực tiễn; đặc biệt, có ý kiến của các tầng lớp nhân dân, từ trẻ đến già, có một số cán bộ lão thành đã dùng thơ để thể hiện những cảm nhận sâu xa của mình về một quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quá trình chỉ đạo cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Tôi tự hỏi: nguyên nhân nào tạo ra sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp, giai tầng xã hội đối với các bài nói, bài viết đã được tập hợp in trong cuốn sách?

Trước hết, theo tôi, nội dung cuốn sách đề cập một chủ trương lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay - đó là phải tăng cường đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, mà nét nổi rõ nhất là hiện tượng quan liêu, tham nhũng cho “đến nay vẫn tồn tại và có mặt diễn biến phức tạp hơn, trong đó có tệ tham nhũng, tiêu cực” - như lời nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác giả chỉ rõ: “Phòng chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”!

Từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 1/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; đến Đại hội IX đã trở thành một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta và đến nay vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nội dung ở nhiều phần trong cuốn sách, được Tổng Bí thư phân tích, làm sáng rõ những luận điểm quan trọng nói trên trong các văn kiện của các Đại hội, từ Đại hội VII cho đến Đại hội XIII hiện nay.

Bằng lối viết giản dị, dễ hiểu, dễ thấm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn ở nước ta cũng như trên thế giới, cuốn sách đã tạo ra sự cuốn hút, sự đồng thuận cao đối với người đọc. Nói một cách khác, chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đòi hỏi tự thân của Đảng và toàn xã hội nhằm góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng cầm quyền, tất cả đều xuất phát từ lợi ích của Đảng, của Dân, thì lẽ đương nhiên, chủ trương đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của nhân dân.

Với cuốn sách dày hơn 600 trang, mà thu hút một số lượng lớn người đọc gồm nhiều thành phần như vậy, thì điều đó càng làm sáng rõ chân lý: một khi “ý Đảng gặp lòng Dân” sẽ biến thành sức mạnh to lớn, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta nhanh và bền vững.

Thứ hai, sức hút của cuốn sách còn ở chỗ, người đọc vui mừng khi thấy Đảng ta đã và đang thực hiện tốt phương châm “nói đi đôi với làm”, thể hiện tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, triển khai có bài bản, lớp lang với quyết tâm cao “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Trong 10 năm qua (2010-2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế cũng được tiến hành kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm. Điều mà được dư luận xã hội đồng tình cao là xử lý rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn. Nhiều người tâm đắc với hình tượng mà Tổng Bí thư nói về phương châm xử lý kỷ luật cán bộ: chặt một cành cây sâu để cứu cái cây; chặt một cây sâu để cứu cả cánh rừng; xử lý một người để cứu cả tập thể; xử lý để “cảnh tỉnh”, “răn đe” hàng vạn người nếu đang có biểu hiện “nhúng chàm”, để “trị bệnh cứu người”... Trong những năm gần đây, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khuyến khích những cán bộ tự giác nhận lỗi lầm, tự nguyện xin thôi chức; từ đó các cơ quan pháp luật sẽ miễn truy tố hình sự. Như vậy tính nghiêm minh đi liền tính nhân văn, Đảng ta đã kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xem xét kỷ luật cán bộ.

Cần nói thêm, cùng với xử lý kỷ luật, chúng ta đã chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án ngày càng tăng lên. Riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, đã thu hồi tài sản đạt 41,3%, nhiều vụ đã kê biên, thu giữ tài sản hàng nghìn tỉ đồng, như vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỉ đồng; vụ Phan Văn Anh Vũ hơn 22.000 tỉ đồng, vụ Phạm Công Danh hơn 9.000 tỉ đồng; vụ AVG hơn 8.870 tỉ đồng... Kết quả này càng củng cố niềm tin của nhân dân vào hiệu quả nhiều mặt của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

               

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Nguồn ảnh: noichinh.vn)

Thứ ba, đông đảo người đọc hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ “xây là chính”, “chống phải quyết liệt”. Muốn vậy, cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Từ năm 2012 đến nay, Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; người đứng đầu các cấp, các ngành; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, về tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; về công tác cán bộ, miễn nhiệm, từ chức; về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, về cơ chế chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và một số lĩnh vực trọng yếu khác.

Trong hàng loạt biện pháp cần thiết ấy, Tổng Bí thư chỉ rõ một yếu điểm cơ bản cần được khắc phục quyết liệt đó là khâu tổ chức thực hiện. Người đọc thú vị với câu tổng kết mang tính khái quát “rằng hay thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề”. Như vậy, cách lý giải, trình bày vấn đề không một chiều, mà mặt thuận, mặt nghịch đều được phân tích rành rẽ với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” để tìm ra giải pháp đúng và trúng trong từng thời gian cụ thể.

Thứ tư, có một nhân tố nữa làm nên sức hút của cuốn sách - đó là cách trình bày thể hiện tính đối thoại bình đẳng, cởi mở, cùng hướng đến tiếp cận chân lý, không hề “lên gân”, áp đặt. Một trong những ví dụ điển hình: tác giả cởi mở trao đổi về một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước. Tác giả khẳng định: cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân.

Tôi tâm đắc với sự phân tích có lý, có tình của tác giả: mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước; là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu tranh giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu. Khi nói đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có nghĩa là phủ nhận hết thành quả to lớn của gần 40 năm đổi mới đất nước vừa qua. Như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Bạn bè quốc tế cũng ca ngợi quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.

Mặt khác, trong quá trình tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập ngày càng đi vào chiều sâu, chúng ta đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn đang tiếp diễn ở nơi này, nơi khác, khi trắng trợn, lúc tinh vi, gây nghi ngờ, phân tâm xã hội. Đảng ta đã nhìn nhận rõ sự thật ấy nên đã nhiều lần nhấn mạnh phải kiên quyết, kiên trì chống lại “giặc nội xâm” này bằng những cơ chế, chính sách cụ thể với quyết tâm cao độ và sự nhất quán về chủ trương, nguyên tắc cũng như cách thức tiến hành nhằm đạt hiệu quả cao.

          

                             Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại nhất của Đảng và của dân tộc ta trong năm 2021 (Nguồn: nhandan.vn)

Một ví dụ nữa, tác giả giải thích một số thắc mắc của một số người khi đề nghị cần làm rõ một số khái niệm, ví như có người đặt vấn đề là dùng “tư tưởng chính trị”, hay “chính trị tư tưởng”, hay “chính trị, tư tưởng” (có dấu phẩy sau từ chính trị)? Theo tác giả, “hai cách nói đó không khác nhau, nhưng cũng không hoàn toàn trùng khớp nhau. Ta thường nói xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nói chính trị là nói cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị, hệ tư tưởng chính trị, bản lĩnh chính trị…; về tư tưởng thì cũng có rất nhiều thứ tư tưởng: tư tưởng cá nhân, tư tưởng cục bộ, tư tưởng bản vị, tư tưởng bè cánh...; về tổ chức thì có nguyên tắc tổ chức, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc. Nếu nói suy thoái về chính trị, tư tưởng thì suy thoái về chính trị có nghĩa là suy thoái về đường lối rồi, suy thoái về định hướng rất cơ bản rồi. Ở đây nói tư tưởng chính trị là tư tưởng mang tính chính trị, có nghĩa là anh theo khuynh hướng chính trị nào, anh đứng trên lập trường nào, anh theo quan điểm nào, anh đứng về phía ai, bảo vệ ai? Tác giả cho biết, “đã xem lại các nghị quyết trước đây về xây dựng Đảng đều viết là “suy thoái về tư tưởng chính trị”, thậm chí có chỗ nói mức độ hơn là “nhận thức tư tưởng chính trị”, hàm ý là do nhận thức chưa tốt dẫn đến suy thoái tư tưởng chính trị, còn bây giờ nếu quy vào suy thoái về chính trị thì nặng quá, lớn quá. Cho nên dùng “suy thoái về tư tưởng chính trị” thì phù hợp hơn”. Đây là sự giải thích dễ hiểu, tạo được sự đồng thuận cao.

Thứ năm, điều hấp dẫn của cuốn sách đối với nhiều bạn đọc, nhất là đối với người làm báo - đó là ngoài những bài phát biểu quan trọng ở các Hội nghị Trung ương, ở các ngành, các cấp, các địa phương trên cương vị là Tổng Bí thư, nhưng ngay từ khi còn công tác tại Tạp chí Cộng sản, tác giả đã có nhiều bài viết ngắn gọn mà sắc sảo. Ví như bài “Bệnh sợ trách nhiệm” (bút danh Người Xây dựng), bài “Của công của riêng”, bài “Móc ngoặc”, bài “Tình đồng chí” (bút danh Trọng Nghĩa), bài “Chức vụ và uy tín” (bút danh Trọng Nghĩa), bài “Làm xiếc” (bút danh Trọng Nghĩa), bài “Một sự thật nhức nhối” (bút danh Trọng Nghĩa), bài “Cái làm nên uy tín đảng viên”, v.v... Có đồng nghiệp hỏi tôi: sao tác giả không ký tên thật? Tôi cởi mở nói ý kiến riêng của mình: từ xưa đến nay, rất nhiều lãnh tụ, như Bác Hồ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... và nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp khác khi viết báo thường dùng bút danh, mà Bác Hồ là điển hình có hàng chục bút danh khác nhau. Thời đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết hàng chục bài đăng trên báo Nhân Dân trong chuyên mục Những việc cần làm ngay và ký bút danh N.V.L (với ý nghĩa Nói và Làm). Không ký tên và chức danh thật, tác giả muốn để bạn đọc hiểu được một thực trạng cụ thể trong một lĩnh vực cụ thể nhằm giúp người đọc có cách tiếp cận khách quan tình hình cụ thể; và một khi có ai đó thể hiện sự đồng tình hay không đồng tình, tác giả ký bút danh có điều kiện trao đổi cởi mở, thân tình, gần gũi với người có ý kiến khác với điều mình viết. Việc ký các bút danh khác nhau đã trở thành phổ biến trong làng báo Việt Nam từ xưa đến nay.

                 

                                Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, ngày 23/2/2021 tại Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Khép lại bài viết này, tôi xin trích một đoạn trong Thư chúc mừng của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/2/2021 gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân được Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam bầu lại làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của Ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”. Còn ông Thomas Pedersen, Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam và Lào thì nói rằng: “Giống như hầu hết các quốc gia khác, tham nhũng vẫn luôn tồn tại trong đời sống ở Việt Nam với đủ dạng thức lớn, nhỏ. Không dễ để xóa bỏ tham nhũng. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam đang mạnh mẽ hơn lúc nào hết, kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi đầu cuộc chiến này… Là một nhà đầu tư, tôi rất mừng khi thấy Chính phủ Việt Nam nhận thức được những hành động chống tham nhũng. Việt Nam đang chống tham nhũng thực sự hiệu quả”.

Cùng với hàng ngàn ý kiến của các trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ, đảng viên, nhân dân ta ở trong nước và ở nước ngoài tỏ rõ sự đồng tình và hoan nghênh, mà cuốn sách mới trích dẫn phần nào, chúng ta càng hiểu rõ cội nguồn vì sao cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức hút và sức lan tỏa nhanh và lớn như vậy!


LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
225 người đang online