Thường trực Tỉnh ủy họp khẩn về công tác phòng, chống lụt, ngập úng và khắc phục hậu quả của bão số 3

Ngày 11/9 tại trụ sở Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp khẩn của Thường trực Tỉnh ủy về công tác phòng, chống lụt, ngập úng và khắc phục hậu quả của bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Dự cuộc họp có các đồng chí: Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.

 

Các đại biểu dự cuộc họp                                                                                                   Các đại biểu dự cuộc họp

Tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hữu Nghĩa đã nghe Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh và một số sở, ngành báo cáo về tình hình phòng, chống lụt, ngập úng và việc khắc phục hậu quả của bão số 3. Trong đó, tập trung vào công tác di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm; bảo vệ đê điều; bổ sung vật tư, phương tiện; bảo vệ diện tích sản xuất; sự tham gia của các lực lượng tại chỗ trong phòng, chống ngập lụt; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại… 

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống ngập lụt. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một bộ phận chính quyền địa phương, người dân còn lơ là, chủ quan, chưa chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Trước tình hình trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự sát sao của chính quyền địa phương, sự nhanh nhạy của các cơ quan, đơn vị chuyên môn, dự báo sát, đúng tình hình mưa lũ. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ động triển khai các phương án theo tình hình thực tế, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân, ưu tiên hàng đầu là di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong hôm nay phải di dời hết người dân khỏi vùng nguy hiểm, dù phải cưỡng chế. Chủ động bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đê sông Hồng và sông Luộc. Việc di dời người dân đến nơi an toàn phải phù hợp, lựa chọn nhà kiên cố, cao tầng, trường học… Các địa phương chủ động phân tuyến, phân luồng tránh lũ, tránh rối loạn khi có tình huống xảy ra…

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hữu Nghĩa yêu cầu huy động cả các phương tiện chuyên dụng của các cơ quan, đơn vị và Nhân dân trong công tác phòng, chống ngập lụt. Bảo đảm vật tư, vật liệu, nhất là tại 15 điểm xung yếu của đê sông Hồng, sông Luộc đã được xác định. Lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân phải được bảo đảm, quan tâm đến công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại. Đầu mối tiếp nhận hỗ trợ là Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Về nhân lực, huy động sức mạnh toàn dân để chống lũ; phát huy vai trò của lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên trong tham gia chống ngập lụt. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, tất cả chung tay chống ngập lụt, giảm thấp nhất thiệt hại, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân… 


LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
17 người đang online