Tin nhắn rác và vấn đề bảo vệ quyền lợi người sử dụng

Tin nhắn rác từ lâu đã trở thành một vấn nạn với người sử dụng điện thoại di động. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng trên, song việc các tin nhắn rác vẫn ngày đêm làm phiền các chủ thuê bao di động vẫn diễn ra với hình thức ngày càng tinh vi. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, các thuê bao di động liên tục bị “khủng bố” dồn dập bởi đủ các loại tin nhắn rác dẫn đến một tâm lý rất khó chịu, bực mình.

Đã có không ít người bị “tra tấn” khi nhận được tin nhắn vào ban đêm, sáng sớm, hay giờ nghỉ trưa. Dù nhiều khách hàng đã cài các phần mềm ngăn chặn tin nhắn rác nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng này. Vừa khởi động chiếc sim điện thoại mới mua chưa đầy 30 phút, anh Lê Duy, xã An Viên (Tiên Lữ) đã nhận được hàng chục tin nhắn với đủ các nội dung như mời quảng cáo, trúng thưởng...còn ông Nguyễn Minh Hợp, 70 tuổi xã Đình Dù (Văn Lâm) chia sẻ: Tôi về nghỉ hưu, được con cháu mua cho chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc. Do tuổi cao, nên tôi không sử dụng được hết các tính năng của điện thoại, chính vì thế mà tôi thường xuyên bị làm phiền bởi những tin nhắn rác, nhất là lúc nửa đêm, khiến tôi rất khó chịu. Không chỉ ông Hợp, anh Duy mà đã có rất nhiều người sử dụng điện thoại di động bị tình trạng tin nhắn rác làm phiền. Đến nay vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể về số lượng cấc tin nhắn rác. Hầu hết tin nhắn mà các thuê bao nhận được đều xuất phát từ những số thuê bao di động.

 Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng phòng kinh doanh VNPT Hưng Yên cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tin nhắn rác là do hiện nay trên thị trường vẫn tồn tại số lượng sim khuyến mãi lớn. Thực tế cho thấy, mỗi người đều rất dễ dàng mua cho mình một sim số điện thoại di động với mệnh giá 50 nghìn đồng đã được kích hoạt có tài khoản khuyến mãi lớn hoặc chế độ khuyến mãi ưu đãi. Các công ty quảng cáo dựa trên điểm này để phát tán tin nhắn rác. Mỗi tin nhắn quảng cáo phát đi chỉ với 200 đến 300 đồng nhưng nếu người sử dụng nhắn tin lại, nhà quảng cáo thu lại với số tiền cao gấp nhiều lần (5000 đồng đến 15.000 đồng).

Mặt khác, theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi các nhân được phép đăng ký 3 thuê bao trên một nhà mạng, mà thực tế hiện nay có khoảng 6 nhà mạng đang cung cấp dịch vụ. Như thế có nghĩa mỗi cán nhân được sở hữu 18 thuê bao. Để bán được nhiều thuê bao cho nhà mạng đồng nghĩa với việc tăng khoản hoa hồng được hưởng từ mỗi sim điện thoại, các chủ đại lý đã “biến tướng” 2 số bất kỳ trong mỗi chứng minh thư và như thế một khách hàng mới được đăng ký thông tin. Chính hiện tượng này cũng dẫn đến tình trạng tin nhắn rác gia tăng.

Tin nhắn rác còn hiển thị giả danh số 198, 1900... từ nước ngoài lừa đảo khách hàng. Ngoài ra, mới đây trên địa bàn tỉnh, hàng trăm khách hàng điện thoại cố định của VNPT đã bị đầu số lạ lừa đảo, làm phiền gây tâm lý hoang mang. Điều đó chứng tỏ chiêu thức hoạt động của các đối tượng phát tán tin nhắn ngày càng trở nên tinh vi, xảo quyệt.

Nhằm ngăn chặn việc phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT ngày 24/12/2014 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Sự ra đời của Chỉ thị 82/CT-BTTTT đã khẳng định sự vào cuộc của các cơ quan chức năng khi quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng doanh nghiệp trong việc quản lý, ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung lừa đảo. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Thanh tra Bộ, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Trung tâm Thông tin thuộc Bộ, các cơ quan báo chí, các đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp viễn thông di động, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử cần phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và thông tin trên mạng có nội dung không lành mạnh; khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo xuất hiện trên môi trường mạng xã hội và trong trò chơi điện tử khi tự phát hiện hoặc khi nhận được cảnh báo từ người sử dụng dịch vụ; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả đối với các tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và thông tin trên mạng có nội dung không lành mạnh./.


LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
110 người đang online