Tọa đàm: Thanh niên ứng xử đối với thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Chiều ngày 16/6, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT đã tổ chức Tọa đàm "Kinh nghiệm thanh niên tham gia ứng xử đối với thông tin xấu độc trên mạng xã hội". Tham dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; Đoàn Thanh niên Bộ và hơn 70 đoàn viên đến từ các chi đoàn.

 

 
Cac-dai-bieu-tham-du.jpg
 
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
 
Có thể khẳng định, mạng xã hội là một “dòng chảy thông tin” len lỏi đến mọi ngóc ngách trong thế giới phẳng. Mạng xã hội giúp người sử dụng dễ dàng đi xuyên biên giới; tại Việt Nam, người ta có thể cảm nhận được một cách chân thực sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 tại Châu Âu xa xôi, hay chứng kiến tình hình hỗn loạn, các biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc ở đất nước Hoa Kỳ bên kia bán cầu những ngày qua.
 
Đáng chú ý, với sự ưu việt của các thiết bị thông minh, mạng xã hội có khả năng tiếp cận từng cá thể ở mọi lúc, mọi nơi, có thể tạo nên “bản sao” của đời sống thực trên “không gian ảo”. Mạng xã hội tạo ra khả năng giao lưu, chia sẻ, kết nối cộng đồng rất thuận lợi; là một kênh marketing, kinh doanh hiệu quả, giúp nắm bắt thông tin, và là một kênh giải trí hữu ích. Góp phần hình thành một lớp công dân mạng làm truyền thông qua việc tự đăng tải thông tin, chia sẻ, bình luận, giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng, phát triển trí tuệ.
 
Bên cạnh những tiện ích thì mạng xã hội cũng tiềm ẩn, tồn tại nhiều nguy cơ, mặt trái. Mạng xã hội là môi trường mở cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin, tính truyền tải nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng nên rất khó quản lý và kiểm soát. Bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc, sai sự thật, trái với truyền thống văn hóa dân tộc cũng được tán phát lên mạng xã hội. Chỉ một tin tức chưa được kiểm chứng trên thế giới ảo, những “anh hùng bàn phím” vội lạnh lùng phán xét, gây tổn thương nhiều tâm hồn, thậm chí không ít trường hợp đã góp phần tước đoạt cả mạng sống người khác.
 
Những đối tượng cung cấp, phát tán, lan truyền thông tin xấu độc có thể chia thành hai nhóm chính với động cơ, mục đích như sau: Thứ nhất, người dùng mạng xã hội non kém về nhận thức, lợi dụng việc sử dụng thông tin giật gân, câu khách để tăng lượng like, lượng view nhằm tăng độ nổi tiếng, kiếm tiền trên mạng. Thứ hai, nguy hiểm hơn nhiều, đó là các phần tử cơ hội chính trị, thù địch lợi dụng triệt để truyền thông xã hội để thực hiện ý đồ chống phá Nhà nước, chống phá cách mạng nước ta.
 
Doan-vien-dat-cau-hoi.jpg
 
Đại biểu đặt câu hỏi tại buổi Tọa đàm
 
Cách thức của các đối tượng thường là lấy thông tin từ báo chí chính thống để cắt ghép với những thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là đối với những vấn đề bức xúc, nổi cộm, dư luận quan tâm để thổi phồng những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; nói xấu, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ở Trung ương, địa phương và cơ sở nhằm làm giảm sút niềm tin trong nhân dân; lợi dụng những hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, đả kích, bôi nhọ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
 
Đó là những thủ đoạn không mới, nhưng chính sự dễ dãi, cả tin, kém hiểu biết, cùng tâm lý đám đông khi tham gia mạng xã hội của một bộ phận người tham gia, sử dụng đã vô tình cổ súy, tiếp tay tạo nên tầm ảnh hưởng và tác hại ghê gớm từ tin giả, tin xấu, độc trên mạng xã hội thời gian qua. Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo nhận diện những thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng này để không bị mắc bẫy, lôi kéo.
 
Từ những vấn đề đặt ra, mỗi cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên đang công tác tại Bộ Thông tin và Truyền thông trở thành một người dùng mạng xã hội thông thái, có “sức đề kháng” với thông tin xấu, độc. Việc người sử dụng nâng cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch lãm trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên mạng xã hội là rất quan trọng. Có như vậy, việc khai thác, sử dụng mạng xã hội mới hiệu quả, thiết thực và lành mạnh; người sử dụng mới có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, của cộng đồng và đất nước.
 
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã đưa ra chương trình hành động và nhấn mạnh về việc “thường xuyên đăng tải những thông tin tích cực; có kế hoạch đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội. Chủ động xây dựng, điều hành các trang thông tin điện tử, kênh YouTube, Fanpage, group Facebook theo các đối tượng thanh thiếu niên; phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên các trang cá nhân, Fanpage của các cấp bộ Đoàn - Hội trên mạng xã hội”.
 
Toan-canh.jpg
 
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
 
Vì vậy, mỗi tổ chức Đoàn cần không ngừng nâng cao nhận thức, bồi đắp về trách nhiệm cho thanh niên khi tham gia mạng xã hội; thường xuyên làm công tác tuyên truyền để đoàn viên thanh niên tự trang bị các phương pháp tiếp cận thông tin trên Internet một cách khoa học và đúng đắn; có thái độ phê phán, đấu tranh kiên quyết nhưng tỉnh táo với những luồng thông tin sai trái, xấu độc; tổ chức các buổi diễn đàn, trao đổi về những dấu hiệu nhận biết, phân biệt nội dung tiêu cực trên không gian mạng; tổ chức các cuộc thi, tìm hiểu về các vấn đề có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội.
 
Khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên trẻ, đoàn viên,... cần xác định trách nhiệm giữ vai trò nòng cốt, tự giác trong đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin, thông điệp tích cực, trực diện đấu tranh với thông tin xấu độc, tạo thành phong trào rộng khắp cùng hướng tới một văn hóa Internet, trong đó có mạng xã hội, ngày càng tích cực, lành mạnh./.
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
15 người đang online