15/03/2024 | lượt xem: 7 Viện Chiến lược phải cầm nhịp, phải là tổng chỉ huy các chiến lược của Bộ TT&TT “Viện Chiến lược không chỉ dừng lại ở việc làm chiến lược mà còn phải vượt lên trên tầm chiến lược, đóng góp vào việc tạo ra cơ sở lý luận và tư tưởng cho ngành”. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông sáng ngày 06/3/2024. Cùng dự có Thứ trưởng Phan Tâm, đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (viết tắt là Viện Chiến lược). Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Viện Chiến lược phải cầm nhịp, phải là tổng chỉ huy của các chiến lược của Bộ TT&TT Tại buổi làm việc, ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT đã báo cáo với Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ về Kế hoạch 2024, định hướng 2025 của Viện Chiến lược. Đồng thời cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị. Cần phải tư duy lại sứ mệnh của mình trong kỷ nguyên công nghệ số Đối với các đề xuất, kiến nghị của Viện Chiến lược, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, Viện Chiến lược trưởng thành và phát triển trong giai đoạn viễn thông và CNTT, nay đã chuyển sang kỷ nguyên chuyển đổi số, công nghệ số. Do đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu mới, giá trị mới, cần suy nghĩ lại về thế mạnh của mình so với các đơn vị khác để phát huy. Đồng thời, cũng cần tập trung xây dựng các chiến lược, các nghiên cứu, lý luận, tổng kết và dự báo. Phát biểu chỉ đạo về mục tiêu phát triển lâu dài của Viện Chiến lược, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Viện Chiến lược cần phải tư duy lại sứ mệnh của mình trong kỷ nguyên công nghệ số. Việc làm chiến lược như cách đây 5-10 năm đã không còn phù hợp. Toản cảnh buổi làm việc Bộ trưởng cho biết, Bộ đang có nhiều vấn đề cần nghiên cứu chuyên sâu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để giải quyết. Viện Chiến lược cần đưa ra được những tư vấn cao cấp cho Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự Đảng giải quyết những vấn đề của Bộ, của Ngành, như: Chiến lược hạ tầng số triển khai thế nào, bộ quy tắc về ứng xử với AI trong bối cảnh AI đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn cầu… Hiện nay, Bộ TT&TT đã và đang xây dựng nhiều chiến lược các lĩnh vực quản lý của Bộ, như: Chiến lược về bưu chính, viễn thông, chuyển đổi số báo chí, an toàn an ninh mạng… Những chiến lược này rất chuyên sâu nên các Cục, Vụ chuyên môn xây dựng thì sẽ hợp lý hơn vì công tác xây dựng chiến lược còn gắn liền với triển khai và thực thi, tự mình viết ra chiến lược thì thực thi mới hiệu quả. Viện Chiến lược với ưu thế về nhân lực có kinh nghiệm sâu trong việc xây dựng chiến lược, đề án thì nên tập trung vào các chiến lược mang tính bao quát, tổng thể toàn ngành như Chiến lược dữ liệu, hay thực hiện nghiên cứu về tư tưởng, lý luận, tầm nhìn, xu thế theo đặt hàng của các Cục, Vụ trong Bộ, Bộ trưởng lưu ý. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng tranh tem cho Viện Chiến lược TT&TT Phải biết huy động nguồn nhân lực toàn quốc, toàn cầu để thực thi nhiệm vụ của mình Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng, Viện Chiến lược cũng cần xây dựng một lộ trình (roadmap) làm chiến lược dài hạn cho cả Bộ trong 5 năm, 10 năm, và định kỳ đánh giá lại mỗi năm; phải cầm nhịp, phải là tổng chỉ huy các chiến lược của Bộ. Làm chiến lược thì phải huy động nhân lực toàn quốc, huy động nhân lực của mấy chục nghìn doanh nghiệp, của các đơn vị trong ngành, do đó cần tập trung vào việc kết nối (networking), thâu tóm lực lượng, biết cách sử dụng nguồn nhân lực toàn quốc, toàn cầu để thực thi nhiệm vụ của mình. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế và quan hệ với các nước ASEAN. Cuối cùng, Bộ trưởng chỉ đạo Viện Chiến lược không chỉ dừng lại ở việc làm chiến lược mà còn phải vượt lên trên tầm chiến lược, đóng góp vào việc tạo ra cơ sở lý luận và tư tưởng cho ngành. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Phan Tâm chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, viên chức, người lao động Viện Chiến lược TT&TT Viện Chiến lược Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin được thành lập theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BBCVT ngày 12/03/2003 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. Năm 2007, Viện chính thức được đổi tên thành Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông. Trong giai đoạn 2003-2017, Viện Chiến lược đã xây dựng và trình phê duyệt nhiều Luật, Chiến lược, Quy hoạch và Đề án quan trọng, bao gồm: Luật Công nghệ thông tin (2006), Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; 18 Quy hoạch và 10 Đề án. Từ 2018 đến 2020, Viện Chiến lược đã hoàn thành 2 Quy hoạch, 3 Đề án, 1 Chương trình truyền thông, xây dựng Văn kiện Đại hội, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Giai đoạn 2021-2023: Viện Chiến lược đã xây dựng và trình phê duyệt Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030, nhấn mạnh việc tạo lập và quản lý dữ liệu hiệu quả; Quyết định số 36/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông từ 2021 đến 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm mục tiêu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ICT; Chiến lược AI ứng dụng, qua Quyết định số 2259/QĐ-BTTTT...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông