Việt Nam và WEF ký thỏa thuận hợp tác về CMCN 4.0

Việc ký kết 2 Thỏa thuận với WEF đã góp phần triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị WEF ASEAN 2018 được tổ chức thành công tại Việt Nam vào tháng 9/2018.

Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đa-vốt, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác về Cách mạng công nghiệp 4.0 với Diễn đàn Kinh tế thế giới, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới - Giáo sư Klaus Schwab.
 
Các thỏa thuận ký kết bao gồm: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về thành lập Trung tâm liên kết về Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Diễn đàn Kinh tế thế giới về dự án nghiên cứu chính sách mobile money.
 
20190125-m01.jpg
​Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (bìa phải) và Bà Sarita Nayyar, Giám đốc điều hành Trung tâm CMCN 4.0 của WEF ký kết thoả thuận hợp tác xây dựng Trung tâm liên kết về CMCN 4.0 tại Việt Nam. Ảnh: Minh Tú.
 
Việc ký kết 2 Thỏa thuận này đã góp phần triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị WEF ASEAN 2018 được tổ chức thành công tại Việt Nam vào tháng 9/2018.
 
Việt Nam là nước đầu tiên ký thỏa thuận với Diễn đàn Kinh tế thế giới về hợp tác xây dựng Trung tâm liên kết (Affiliate Center) về CMCN 4.0. Điều này, khẳng định các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng tầm nhìn, định hướng và chính sách trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế - xã hội để tận dụng lợi thế vượt trội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại.
 
Tại Lễ ký, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn về công nghệ. Trên cơ sở ký kết thỏa thuận, Việt Nam sẽ trở thành hub về chính sách 4.0 của khu vực. Việt Nam sẽ đi đầu trong việc chấp nhận và cho phép thử nghiệm các công nghệ mới. Là người đi đầu, Việt Nam có thể chịu thiệt thòi, nhưng khi đã có một môi trường chính sách có tính cạnh tranh toàn cầu, người Việt sẽ không phải ra nước ngoài để làm công nghệ, các tập đoàn lớn sẽ vào Việt Nam, nhân tài nước ngoài sẽ đến Việt Nam làm công nghệ, đầu tư cho công nghệ.”
 
Trung tâm dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2019. Đây là trung tâm hình thành các chính sách cho CMCN 4.0, nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành về công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo; Internet kết nối vạn vật (IoT); Block chain; Tự động hóa; Thiết bị không người lái và hàng không tương lai; Thương mại Số; Công nghiệp 4.0 về Trái đất; Y tế chính xác; Dữ liệu lớn, những công nghệ có thể áp dụng rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
 
Ngay sau khi ký thỏa thuận Đối tác Chính phủ, Việt Nam sẽ cùng Diễn đàn kinh tế thế giới hợp tác trong dự án Mobile Money.
 
20190125-m02.jpg
Đoàn đại biểu Diễn đàn kinh tế thế giới và Chính phủ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Minh Tú.
 
Tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông làm công cụ thanh toán các dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử nhỏ lẻ, thay vì chỉ sử dụng riêng cổng thanh toán qua ngân hàng.
 
Hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới sẽ giúp Việt Nam xây dựng các chính sách phù hợp, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông để giúp thanh toán điện tử đến từ mọi người dân, kể cả người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, kích thích tăng trưởng của nền kinh tế. Như vậy, 100% người dân sử dụng điện thoại di động, kể cả điện thoại không phải là smartphone, đều có thể tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Điều này cũng giúp Việt Nam ngay lập tức đạt mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn./.
 

 


LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
196 người đang online